Giao tiếp và tương tác tốt giúp bạn xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh. Thực tế, nhà tuyển dụng nào cũng kỳ vọng vào kỹ năng giao tiếp khéo léo của ứng viên.

“Nếu bạn chỉ giao tiếp, bạn có thể tồn tại. Nhưng nếu bạn giao tiếp khéo léo, bạn có thể tạo ra điều kỳ diệu” (If you just communicate, you can get by. But if you communicate skillfully, you can work miracles.) Jim Rohn

Chương trước: Khái quát về kỹ năng mềm

2.1. KHÁI QUÁT

2.1.1. Khái niệm

Như đã đề cập ở chương 1: Hiệp hội Đào tạo và Phát triển Mỹ (ASTD-American Society for Training & Development) đã thực hiện một nghiên cứu về các kỹ năng cơ bản cần thiết trong công việc tại Hoa Kỳ. Kết luận được đưa ra là có 13 kỹ năng cơ bản cần thiết hàng đầu để thành công trong công việc, một trong số đó là kỹ năng giao tiếp ứng xử.

Vậy kỹ năng giao tiếp là gì?

Với những góc độ và mục đích nghiên cứu khác nhau, người ta đã đưa ra nhiều quan niệm khác nhau về giao tiếp. Có thể kể ra một số quan niệm về giao tiếp như sau:

– Giao tiếp là nói một điều gì đó với ai đó.

– Giao tiếp là việc truyền đạt hướng dẫn, chỉ dẫn giữa người này và người khác, có dẫn đến hành động. …

– Nếu hiểu theo nghĩa rộng thì: Giao tiếp là sự chia sẻ thông tin và tạo quan hệ.

Còn kỹ năng giao tiếp có thể hiểu là việc vận dụng một tập hợp những quy tắc, nghệ thuật, cách ứng xử, đối đáp được đúc rút qua kinh nghiệm thực tế hằng ngày giúp giao tiếp hiệu quả thuyết phục hơn.

Hiện tượng giao tiếp rõ ràng không chỉ có ở xã hội loài người, mà còn tồn tại khách quan, xuất hiện ở muôn loài. Ở góc độ một tổ chức, công ty, “giao tiếp” được hiểu là hành động xác lập mối quan hệ và sự tiếp xúc giữa con người với con người, nhằm thoả mãn nhu cầu nhất định về thông tin. Trên cơ sở thu nhận thông tin, hai bên giao tiếp sẽ xây dựng, điều chỉnh mục tiêu, hành vi qua sự tương tác lẫn nhau để cùng hiểu biết về một tình huống, có cùng tiếng nói, thu được lợi ích nhiều nhất có thể.

Dù có nhiều quan niệm khác nhau, nhưng những quan niệm này đều có chung một cách hiểu: “Giao tiếp là quá trình chuyển giao, tiếp nhận và xử lý thông tin giữa người này với người khác để đạt được mục tiêu”.

Có thể nói kỹ năng giao tiếp đã được nâng lên thành nghệ thuật giao tiếp, bởi vì kỹ năng này bao gồm rất nhiều kỹ năng nhỏ khác như: Kỹ năng lắng nghe, kỹ năng thấu hiểu, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ cơ thể, kỹ năng sử dụng ngôn từ, âm điệu…

Để có được kỹ năng giao tiếp tốt, đòi hỏi người sử dụng phải thực hành thường xuyên, áp dụng vào mọi hoàn cảnh mới có thể cải thiện tốt kỹ năng giao tiếp của mình.

2.1.2. Tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp

Kỹ năng giao tiếp là một trong những kỹ năng mềm cực kỳ quan trọng trong thế kỷ 21. Kỹ năng giao tiếp đóng vai trò rất quan trọng, đó là hành trang không thể thiếu để đạt được thành công.

Xã hội ngày càng phát triển, song song với sự phát triển đó là một sự cạnh tranh gay gắt. Nếu như chỉ có chuyên môn giỏi, nhiệt huyết, hết mình vì công việc, thì có thể vẫn chưa đủ để có được một vị trí phù hợp với năng lực. Phải chăng khi đó cần phải nỗ lực nhiều hơn, làm việc chăm chỉ hơn, ra sức học hỏi thật nhiều để có kinh nghiệm, kiến thức giúp thăng tiến cao hơn?

Bên cạnh chuyên môn giỏi, kiến thức tốt, cần phải biết cách thể hiện những suy nghĩ, những kinh nghiệm, những đóng góp của mình cho mọi người biết thông qua kỹ năng giao tiếp (trao đổi, trò chuyện, trình bày…), mới hy vọng gặt hái được thành công như ý.

Vì vậy, kỹ năng giao tiếp đóng vai trò rất quan trọng trong công việc, trong cuộc sống hằng ngày, đặc biệt là trong môi trường làm việc hiện đại đầy cạnh tranh hiện nay. Nâng cao kỹ năng giao tiếp là một yêu cầu không thể thiếu trong thời đại ngày nay.

Trong thực tế, có thể dễ dàng nhận thấy: Nếu có được kỹ năng giao tiếp tốt thì mọi quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên sẽ trở nên gần gũi, tốt đẹp hơn, công việc sẽ trôi chảy hơn. Cùng với điều đó thì cơ hội thăng tiến cũng rộng mở hơn.

Ngược lại, nếu không thành công trong giao tiếp, những suy nghĩ, ý tưởng, cố gắng, thành quả của chúng ta sẽ không phản ánh được thực tế của chính bản thân mình. Sự hạn chế này sẽ khiến ta gần như không thể thể hiện được hết khả năng của mình trong công việc.

kỹ năng giao tiếp thiết yếu
Hình 2.1. Giao tiếp – Một kỹ năng thiết yếu

Chính sự thiếu hiệu quả trong giao tiếp sẽ trở thành rào cản trên con đường đạt tới mục tiêu của chính mình – cả trong đời sống riêng tư lẫn trong sự nghiệp.

2.2. BẢN CHẤT CỦA GIAO TIẾP

Giao tiếp là một quá trình truyền đi một thông điệp, nó bao gồm một người gửi và một hay nhiều người nhận. Thông điệp là ý tưởng đã được mã hoá để người phát tin (giao tiếp) và người nhận. Theo quan niệm này, giao tiếp là một quá trình dựa trên sự trao đổi giữa hai hay nhiều người sử dụng một mã cử chỉ, từ ngữ để có thể hiểu được một thông tin chính thức hay phi chính thức được chuyển từ người phát tin đến người nhận tin. “Giao tiếp” là một tập hợp các hoạt động trước hết nhằm thực hiện sự kết nối quan hệ giữa các cá nhân với nhau. Vì vậy, mọi sự giao tiếp đều chứa thông tin và nó thường làm cho thông tin được chuyển theo hai chiều:

– Một thông điệp được chuyển tải hoặc chia sẻ giữa hai hay nhiều người.

– Số lượng người tham gia và chia sẻ thông tin tùy thuộc vào nội dung, nhu cầu của người nhận tin. Có những loại thông tin trong giao tiếp chứa đựng thông tin của một cá nhân, có những loại thông tin nội dung của nó chứa đựng liên quan đến sự quan tâm của nhiều người.

mô hình giao tiếp
Hình 2.2. Mô hình giao tiếp

Giao tiếp là một cuộc đối thoại hai chiều, quá trình đối thoại làm thay đổi cả người gửi lẫn người nhận (tức là có sự chia sẻ thông tin, hai bên điều chỉnh mục tiêu, điều chỉnh hành vi qua sự tác động lẫn nhau để cùng hiểu biết về tình huống, có cùng tiếng nói, đem lại lợi ích nhiều nhất có thể. Tóm lại, giao tiếp là một quá trình truyền nhận một thông điệp từ một người gửi đến một hay nhiều người nhận trong một môi trường nhất định.

Sơ đồ trên cho ta thấy rằng một người muốn chuyển một ý nghĩa trừu tượng cho một người khác thì phải bắt đầu từ mã hóa ý nghĩa đó.

Mã hóa trong quá trình giao tiếp

Mã hóa là quá trình chuyển từ ý nghĩa sang lời nói, chữ viết hay các dấu hiệu ký hiệu và các phương tiện phi ngôn ngữ khác nhau.

Thông điệp trong quá trình giao tiếp

Sau đó thông điệp, tức là những ý nghĩa đã được mã hóa, được phát đi bằng các kênh truyền thông (như lời nói, thông báo, điện thoại, thư từ, fax…). Người nghe nhận được thông điệp bằng một số hoặc tất cả các giác quan của mình và giải mã.

Giải mã trong quá trình giao tiếp

Giải mã không phải là một quá trình đơn giản. Sự thông tin chính xác chỉ có thể xảy ra khi cả hai người phát và nhận gán cho các ký hiệu lập thành thông điệp cùng một ý nghĩa hoặc ít ra là những ý nghĩa tương tự.

Phản hồi trong quá trình giao tiếp

Sau khi giải mã, khâu cuối cùng kết thúc mạch truyền thông là thông qua phản hồi. Người nhận tín hiệu cho người phát biết rằng thông điệp đã được nhận và tính chất của sự trả lời thường cho thấy một phần chất lượng của sự thông hiểu. )

Tuần hoàn giao tiếp

Lúc này người nhận và người gửi đổi vai cho nhau tạo nên quá trình truyền thông tuần hoàn.

Các yếu tố bảo đảm giao tiếp có hiệu quả

Hoạt động giao tiếp có hiệu quả, cần đảm bảo những yếu tố cơ bản sau:

  • Phải xây dựng được một bản thông điệp có hiệu quả, nghĩa là nội dung phải rõ ràng, trình bày hợp lý và chuyển đi hữu hiệu.
  • Bảo đảm dòng chảy thông tin, có nghĩa là trong giao tiếp phải bảo đảm thông tin liên tục, không bị gián đoạn, ngắt quãng để người phát và nhận thông tin dễ chia sẻ với nhau.
  • Bảo đảm cho ý nghĩa của thông điệp phản ánh được hiểu theo một nghĩa nhất định, tránh được hiện tượng “nói một đàng, hiểu một nẻo”.
  • Nắm được môi trường xã hội khi giao tiếp (giao tiếp với ai? như thế nào? khi nào? trong bao lâu?…).
  • Thực hiện sự đáp ứng (tức là sự hồi đáp) cần thiết.
  • Người phát tin và nhận tin (đặc biệt là người phát tin) phải có kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, các kiến thức cần thiết.

2.3. MỤC TIÊU VÀ PHƯƠNG THỨC GIAO TIẾP

2.3.1. Mục tiêu giao tiếp

Giao tiếp thường có 4 mục tiêu như sau:

– Chuyển tải được những thông điệp.

– Giúp người nhận hiểu rõ những dự định của người phát thông điệp.

– Tiếp nhận được sự phản hồi từ người nhận.

– Duy trì mối quan hệ tốt với người nhận.

Trong mọi ngành nghề, để thành công, mỗi người đều cần có sự hợp tác, bổ trợ, giúp đỡ, hay tối thiểu là góp ý từ nhiều phía và để các bên phối hợp hiệu quả, đúng lúc, đúng “liều lượng”, cần phải có sự trao đổi thông tin chính xác.

Thông điệp luôn luôn có cả yếu tố trí tuệ và tình cảm trong đó, yếu tố trí tuệ để chúng ta có thể xem xét tính hợp lý của nó, và yếu tố tình cảm để chúng ta có thể có thái độ, những cuốn hút tình cảm thích hợp, qua đó thay đổi được suy nghĩ và hành động.

Các thông điệp sau khi được “mã hoá”, được truyền nhận qua nhiều kênh, như: “nói”- thông qua gặp mặt đối mặt, gọi điện thoại, gặp qua video…; “viết”- bằng thư từ, email, bản báo cáo…; và những thông điệp sau khi được “giải mã”, được truyền đạt đến người nhận và người gửi sẽ trông chờ ở họ những phản hồi.

2.3.2. Phương thức giao tiếp

Giao tiếp là một quá trình năng động tạo ra thông điệp và hồi đáp lại thông điệp, thích nghi với con người và môi trường và đặc biệt quan trọng đối với mỗi cá nhân, mỗi nhóm người hoặc xã hội. Các hình thức giao tiếp phổ biến: Giao tiếp hai người, giao tiếp theo nhóm, giao tiếp cộng đồng/đại chúng.

Với cuộc sống hiện đại ngày nay, giao tiếp không chỉ dừng lại ở gặp gỡ và nói chuyện. Giao tiếp còn có các hình thức khác như viết thư, văn bản, email, điện thoại, tin nhắn, tương tác qua mạng xã hội…

Khi giao tiếp trực tiếp (face to face), đa số người nói thường tập trung vào việc chuẩn bị nội dung, mà ít khi chuẩn bị cho việc thể hiện nội dung đó như thế nào. Ví dụ như: Sử dụng giọng nói ra sao, ngừng câu ngắt ý ở điểm nào, mắt sẽ đi đâu khi đang trao đổi ở ý đó… Hay nói cách khác, đó là sử dụng các yếu tố không phải là từ ngữ (phi ngôn từ) trong giao tiếp.

Giao tiếp thường bao gồm hai phần chính: Ngôn từ và phi ngôn từ.

– Ngôn từ: Là nội dung thông điệp được nói ra hoặc viết ra.

giao tiếp phi ngôn ngữ
Hình 2.3. Tầm quan trọng của giao tiếp phi ngôn từ

Phi ngôn từ: Bao gồm giọng nói (gồm các yếu tố như: ngữ điệu, chất giọng, độ cao…) và hình ảnh (gồm nét mặt, dáng vẻ, trang phục, di chuyển…).

Khi chuyển tải một thông điệp, thì vai trò của ngôn từ, giọng nói và hình ảnh được thể hiện như trong Hình 2.3, cụ thể là: tỷ lệ giữa ngôn từ và phi ngôn từ là 7/93, tức là sức ảnh hưởng của phi ngôn từ tới người nghe gấp hơn 13 (93/7) lần ngôn từ (nội dung).

2.4. CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN TRONG GIAO TIẾP

Muốn hoạt động giao tiếp có hiệu quả thì cần phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau đây:

2.4.1. Nguyên tắc bình đẳng

Cách thức tốt nhất là thực hiện nguyên tắc xem: “Mọi đối tác đều quan trọng”, nghĩa là mọi đối tượng giao tiếp đều phải được tôn trọng và đối xử “bình đẳng”. Nguyên tắc này giúp tránh được những sai lầm trong giao tiếp như quan niệm: “Người này không quan trọng”, không có ảnh hưởng gì đến bản thân mình, tổ chức mình nên thờ ơ, thậm chí xem thường.

2.4.2. Nguyên tắc hài hòa lợi ích

Nguyên tắc này dựa trên một thực tế có tính quy luật về mặt tâm lý của con người. Bất kỳ ai, khi thực hiện các quan hệ giao tiếp đều mong muốn, hy vọng rằng: Thông qua việc giao tiếp có thể đạt được một lợi ích nào đó cho mình hoặc cho tổ chức mà mình đại diện.

Do đó, kỹ năng giao tiếp phải được thực hiện trong sự thông cảm, thống nhất với nhau chứ không phải dưới hình thức tranh đua, đối địch… Sự thành công của giao tiếp không phải là ở sự chiến thắng đối tác, mà là sự đem lại lợi ích càng nhiều càng tốt cho cả hai bên.

2.4.3. Nguyên tắc định hướng tối ưu

Việc xác định những mức độ có thể đạt được sẽ giúp cho các đối tượng tham gia giao tiếp chuẩn bị sẵn sàng tư tưởng nhượng bộ trong điều kiện và giới hạn cho phép để có thể thương lượng với bên kia khi các điều kiện, tiêu chuẩn lý tưởng không đạt được.

Khi giao tiếp, nếu các bên tuân thủ nguyên tắc này thì sẽ dễ dàng tìm thấy những mục tiêu và lợi ích chung, trên cơ sở đó có thể cùng nhau tìm ra những giải pháp có thể chấp nhận được cho tất cả các bên.

2.4.4. Nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt văn hóa

Giá trị văn hóa là một phạm trù rộng lớn; ở góc độ nguyên tắc giao tiếp phải tôn trọng giá trị văn hóa. Một sự tôn trọng, lịch sự và nghiêm túc là cần thiết đối với mọi đối tượng giao tiếp. Bởi vì giao tiếp là sự tương tác xã hội luôn luôn chứa đựng yếu tố con người và các yếu tố tình cảm. Cần thấy rằng, một thái độ niềm nở, vui vẻ, hòa nhã, tinh thần hiếu khách, phong cách lịch sự và nghiêm túc, tôn trọng sự khác biệt là những chuẩn mực, kỹ năng giao tiếp quan trọng và cần thiết.

2.5. PHONG CÁCH GIAO TIẾP

2.5.1. Khái niệm

Sống trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, việc giao tiếp qua phương tiện liên lạc ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thì giao tiếp trực diện sẽ cho hiệu quả tốt hơn. Có người bẩm sinh đã có năng khiếu trong việc giao tiếp, nhưng cũng có người phải trải qua các khóa học về kỹ năng giao tiếp để có thể giao tiếp hiệu quả.

phong cách giao tiếp khác biệt
Hình 2.4. Phong cách giao tiếp có thể rất khác biệt

Do ở mỗi con người có xu hướng, năng lực, trình độ, tính cách, điều kiện sống khác nhau nên có hệ thống phương thức thao tác của hành vi, lời nói, cử chỉ ứng xử, xử thế khác nhau. Hệ thống phương thức thao tác đó được gọi là phong cách giao tiếp. Vì vậy, mỗi một người đều có một phong cách giao tiếp riêng, có thể rất khác biệt.

2.5.2. Các phong cách giao tiếp cơ bản

Về phong cách giao tiếp có thể có cách phân chia khác nhau. Ở đây đưa ra một số phong cách đặc trưng dựa vào ứng xử.

– Phong cách “độc đoán”: Các đối tượng tham gia giao tiếp không quan tâm đến đặc điểm riêng của đối tác, dẫn tới thiếu thiện chí, hay va chạm và gây căng thẳng. Người giao tiếp không gây được thiện cảm, khó thiết lập mối quan hệ hợp tác, khó chiếm được cảm tình của đối tác. Ưu điểm của phong cách giao tiếp độc đoán là có tác dụng trong việc đưa ra những quyết định nhất thời, giải quyết được vấn đề một cách nhanh chóng. Nhược điểm là làm mất đi sự tự do, dân chủ trong giao tiếp, kiềm chế sức sáng tạo của con người, giảm tính giáo dục và tính thuyết phục…

– Phong cách “tự do”: Các đối tượng tham gia giao tiếp linh hoạt quá mức, dễ thay đổi mục đích, chiều theo ý đối tác giao tiếp. Phong cách này dễ dàng thiết lập các quan hệ nhưng cũng dễ mất các mối quan hệ, không sâu sắc, thiếu lập trường, thế nào cũng được. Phong cách tự do là kiểu phong cách linh hoạt, cơ động, mềm dẻo, dễ thay đổi theo đối tượng và hoàn cảnh giao tiếp. Ưu điểm của phong cách này là phát huy được tính tích cực của con người, có kích thích tư duy độc lập và sáng tạo. Nhược điểm là không làm chủ được cảm xúc của bản thân, thường hay phụ thuộc hoặc bắt chước, dễ phát sinh tự do quá trớn.

– Phong cách “dân chủ”: Các đối tượng tham gia giao tiếp biểu hiện sự nhiệt tình, thiện ý, tôn trọng nhân cách của đối tượng giao tiếp. Các bên biết lắng nghe, biết quan tâm, dễ dàng thiết lập mối quan hệ tốt trên cơ sở hiểu biết tâm tư của các bên. Ưu điểm của phương pháp này là làm tăng khả năng sáng tạo của đối tượng giao tiếp, giúp mọi người thân thiện, gần gũi và hiểu nhau hơn, tạo mối quan hệ tốt khi làm việc. Nhược điểm của phương pháp này là dân chủ quá có thể dẫn đến việc rời xa các mục tiêu định hướng ban đầu.

2.5.3. Các phong cách của đối tác

Có bốn phong cách giao tiếp của đối tác cần chú ý:

– Người thụ động: Người thụ động không có ý gây hấn gì nhưng lại giữ im lặng quá nhiều và không có ý kiến phản hồi nào đáng kể. Đặc trưng của những mẫu người này là tạo ra không khí của cuộc giao tiếp rất nhàm chán.

– Với mẫu người thụ động, đừng tỏ ra quá tự tin, vì điều đó sẽ làm cho họ càng dè chừng mà ngại giao tiếp.

– Người gây hấn: Mẫu người này luôn tìm cách bác bỏ lý lẽ của người khác, và luôn chen vào những sơ hở của đối tác để “bắt bẻ”. Khi tiếp xúc với một người có biểu hiện gây hấn, hãy cố gắng không để tình hình vượt khỏi tầm tay. Hãy trì hoãn để suy nghĩ thêm. Điều này cho ta thời gian để tập trung tìm giải pháp và cho người kia thời gian để bình tĩnh lại. Nếu cuộc trò chuyện đã đến mức căng thẳng quá, tốt nhất hãy nhường nhịn trước và sau đó dùng lý lẽ cùng sự bình tĩnh của mình để dàn xếp mọi chuyện.

– Người lơ đãng: Đó là mẫu người mà lời nói của người khác như “nước đổ lá môn”. Họ thường không gây hấn bằng cách tranh luận, hay im lặng như mẫu người thụ động; mà đơn giản là lời nói của người khác không khiến họ bận tâm, hoặc họ không mấy thiện cảm với người khác. Lúc đó, có thể nên rút lui khỏi cuộc chuyện trò. Trong giao tiếp, khi một trong hai bên đã không còn hứng thú tương tác, tốt nhất là nên chấm dứt tại thời điểm đó.

– Người quyết đoán: Đây là cách hiệu quả và lành mạnh để thể hiện bản thân bởi nó khuyến khích sự cởi mở, trung thực trong khi vẫn chú ý đến nhu cầu của người khác. Bạn có thể nhận ra người có phong cách giao tiếp quyết đoán dựa vào các hành vi như trình bày mong muốn và nhu cầu với sự tự tin, khuyến khích các cuộc trò chuyện hai chiều trong đó cả hai người đều có cơ hội nói chuyện, có khả năng nói không, duy trì giao tiếp bằng mắt… hoặc các cụm từ như: “Tôi tôn trọng nhu cầu và ý kiến của người khác”, “Tất cả chúng ta đều có quyền thể hiện bản thân một cách tôn trọng và trung thực”.

Cần lưu ý, dù giao tiếp với người thuộc phong cách nào, cũng cần chân thành, khéo léo thì buổi nói chuyện mới đem lại kết quả tốt đẹp. Cần giữ được hình ảnh của chính mình, chân thành, mềm dẻo thì sẽ nhận lại được sự chân thành từ phía đối tác.

2.6. KỸ NĂNG CƠ BẢN TRONG GIAO TIẾP

2.6.1. Kỹ năng lắng nghe

Kỹ năng lắng nghe là tối quan trọng trong việc quyết định thành hay bại của quá trình giao tiếp. Trong giao tiếp nếu không có kỹ năng lắng nghe hiệu quả từ phía người nhận thông điệp, có thể sẽ dẫn tới việc hiểu nhầm vấn đề cần truyền đạt. Cuộc giao tiếp có thể bị phá hỏng và người gửi thông điệp sẽ thấy nản lòng. Biết lắng nghe thật sự là yêu cầu số một khi công tác ở bất cứ ngành nghề, vị trí nào, đặc biệt là đối với người lãnh đạo.

Lắng nghe là cả một nghệ thuật. Đó không chỉ đơn thuần là nghe qua. Nó đòi hỏi người nghe phải biết chủ động trong buổi nói chuyện cũng như biết cách kết hợp một số kỹ năng và kỹ thuật nhất định.

kỹ năng lắng nghe
Hình 2.5. Kỹ năng lắng nghe – yếu tố giao tiếp hàng đầu

Một người biết cách lắng nghe có thể hoàn toàn làm chủ được mọi tình huống và sự trao đổi thông tin. Chúng ta cần quan sát phản ứng của người được hỏi để hiểu người khác thật sự muốn nói gì trong câu trả lời của họ.

Hãy lắng nghe một cách chủ động, thành tâm, hướng sự chú ý vào người nói và làm cho họ thấy rằng dường như lúc này chỉ có một điều khiến bạn quan tâm: những gì họ đang nói.

Dưới đây là một số gợi ý để quá trình lắng nghe hiệu quả:

Hình 2.6. Các cấp độ nghe và lắng nghe

Dùng ánh mắt: Nhìn vào mắt người nói để thể hiện sự tôn trọng, sự tập trung chú ý lắng nghe.

– Gật đầu đồng tình và biểu lộ nét mặt: Để thể hiện sự thiện chí, quan tâm đến vấn đề của người nói, nhằm khuyến khích người nói, cần có những biểu cảm đồng tình trên nét mặt và những cái gật đầu đúng lúc.

– Tránh những hoạt động, cử chỉ lơ đễnh: Khi đang nghe người khác nói mà có những cử chỉ như quay mặt đi chỗ khác, nhìn đồng hồ, sắp xếp vật dụng, giấy tờ, nhún nhẩy,… sẽ khiến người nói cũng thấy không được tôn trọng và chú ý đúng mức, họ sẽ không còn hứng thú muốn nói nữa.

– Tránh không cắt lời người nói: Để người nói trình bày xong ý tưởng hoặc nói hết ý, hết câu rồi người nghe mới nên nói lại hay hỏi phản hồi. Không nên chen ngang, ngắt giữa chừng, phỏng đoán trước ý tưởng của người nói.

– Phối hợp nghe và nói: Người nghe tích cực là người biết phối hợp nhịp nhàng giữa nghe và nói. Điều đó vừa giúp hiểu rõ vấn đề vừa thể hiện sự quan tâm, khích lệ, động viên người nói, rút ngắn khoảng cách giữa người nghe. Việc phối hợp đó có thể thông qua việc đặt câu hỏi: Vừa lắng nghe, thấu hiểu, vừa có phân tích, đánh giá và đặt lại câu hỏi khi nghe chưa rõ hoặc chưa hiểu thấu đáo vấn đề.

– Làm rõ ý: Có thể dùng những câu như: “Có phải ý anh là…” hay “Anh nói rằng…” để kiểm tra độ chính xác của những thông tin nghe được.

2.6.2. Kỹ năng nói

Nói chuyện là hoạt động giao tiếp phổ biến nhất và nó được diễn ra liên tục trong suốt ngày. Tuy nhiên, không dễ để biết cách nói chuyện nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Một số nguyên tắc sau sẽ giúp bạn có những kỹ năng cần thiết để giao tiếp ứng xử tốt hơn trong cuộc sống và công việc hàng ngày:

– Xưng hô: Cẩn trọng với việc xưng hô, cần tuân theo tuổi tác, thứ bậc, chức vụ. Như với người lớn tuổi hơn mình, phải gọi bằng anh, chị, chú bác, cô, dì… Nếu độ tuổi chênh lệch không nhiều, có thể xưng tên.

Trong công việc, tùy cấp bậc mà người làm chức vụ thấp hơn có thể gọi cấp trên là anh/chị, tuyệt đối không nói chuyện nhát gừng, trống không, không xưng hô quá thân mật.

– Chân thành: Nói chuyện bằng thái độ chân thành, tự nhiên. Tránh tỏ ra khó chịu, gượng ép hay giả làm bộ vui vẻ, quan tâm đến người khác (như thế sẽ gây ra ấn tượng xấu ở người đối diện).

Nếu không thể nói sự thật, đừng tìm cách nói dối. Thay vào đó hãy cho người đối diện biết cảm nhận của bạn một cách khéo léo hoặc đưa ra một cách trả lời khéo léo. Không đột nhiên im lặng, nói lấp lửng, làm ra vẻ bí mật để bắt người khác phải chờ đợi…

– Cách nói rõ ràng, dễ hiểu: Nội dung lời nói phải phù hợp với trình độ, độ tuổi người nghe. Hai người có trình độ chênh nhau cùng nói chuyện, nếu không có sự điều chỉnh cách nói thì sẽ rất khó mà truyền đạt cho nhau hiểu.

Cũng cần lưu ý cách dùng từ: Không dùng tiếng lóng ít người biết, từ địa phương, tránh người đối diện hiểu nhầm. Không dùng từ chuyên ngành, từ quá hoa mỹ: Người nghe sẽ có cảm giác là bạn không thật lòng.

Nếu không thể điều chỉnh cách nói chuyện, ngôn ngữ thường dùng của mình, người nói có thể bị cho là kiêu ngạo, tự phụ, thô lỗ.

– Nói gọn gàng, đủ ý: Chỉ kể những chi tiết liên quan, không thao thao bất tuyệt bất chấp người nghe có muốn nghe hay không. Để làm được điều này, cần phải quan sát. Vừa kể một câu chuyện vừa xem thái độ người nghe. Nếu họ có biểu hiện không hứng thú như ngáp dài, lấy tay chống cằm, nhìn ngó nghiêng chỗ khác,… hãy chủ động chuyển đề tài hoặc kết thúc nhanh câu chuyện.

Đừng sa đà, nói mãi một đề tài: “Của ăn ngon đến đâu, ăn quá cũng ngán”. Đừng chỉ nói về mình: Trong câu chuyện, thường cái tôi là đáng ghét, dễ bị quy kết là huênh hoang, tự cao. Thêm vào đó, cũng không nên tâm sự chuyện riêng tư với tất cả mọi người.

– Tránh lối nói gây cảm giác không tốt nơi người khác: Cách nhận xét, đánh giá sự việc một cách thái quá sẽ khiến người đối diện cảm thấy tâm trạng không tốt. Ví dụ, một cô bạn vừa ốm dậy mà ta nói “Sao sắc mặt nhợt nhạt ghê vậy?” sẽ gây cảm giác rất tệ. Thay vào đó, có thể nói: “Nhìn mặt bạn có vẻ khá hơn trước đấy”. Đó chính là một lời an ủi, động viên rất tốt. Đừng chỉ trích, đừng hạ bệ người khác; cũng đừng cãi lộn, gây hấn.

Cũng cần tránh lối nói mỉa mai: Lối nói chỉ trích người khác một cách bóng gió, văn hoa, tưởng khen mà luôn tạo ra ấn tượng cực xấu cho người nghe. Lối nói mỉa mai thể hiện thái độ thù địch, kém vị tha và hay xét nét người khác.

Nếu đang nói chuyện với nhóm đông người, tuyệt đối không có cử chỉ thì thầm vào tai người bên cạnh hay ghi giấy chuyển cho người khác, rồi làm ra vẻ bí mật. Đây là hành vi bị cho là thiếu lịch sự, kém tế nhị.

Không nói xen vào, ngắt lời một người đang hào hứng kể chuyện. Điều đó có thể làm cho họ mất hứng trò chuyện, và lần sau họ sẽ ngại chia sẻ với chúng ta.

– Không đề cập đến các chủ đề không phù hợp: Có những chủ đề không phù hợp cho một số đối tượng nghe. Chúng có thể làm người nghe không hiểu, hoặc người nghe không quan tâm hay các chủ đề nhạy cảm. Tốt nhất, để an toàn, đừng nói về chủ đề tôn giáo, chính trị, giới tính.

– Khen đúng lúc, đúng mực: Khen ngợi người khác rất quan trọng, nhưng sự khen ngợi phải xuất phát từ sự chân thành. Tổng thống Abraham Lincoln đã nói: “Ai cũng muốn được khen ngợi”. Dù bạn vĩ đại, thành công hay giàu có đến đâu, bạn cũng đều cần có sự cổ vũ. Lời khen nâng đỡ người khác, làm cho con người hưng phấn và tiếp thêm năng lượng cho họ.

Hãy khen ngợi người khác một cách thật lòng và vô tư, đừng khen chỉ để “lấy lòng”, làm hài lòng người khác hay tạo ấn tượng cho chính bản thân mình trong khi điều đó không đúng sự thật. Khi này, ý nghĩa tốt đẹp của lời khen sẽ không còn nữa.

Khi khen chân thành luôn cần kèm theo dẫn chứng cụ thể. Bởi vì, nếu không sẽ dễ khiến cho người được khen cảm thấy hoài nghi, cảm thấy đây là lời nịnh hót, tâng bốc vô căn cứ. Giọng điệu chân thành cũng là một cách giúp cho lời khen của bạn thuyết phục hơn.

– Nói chuyện trước đám đông: Đa số người xem việc phải nói chuyện trước đám đông là nỗi sợ hãi bậc nhất. Nhưng chúng ta không thể trốn tránh nó mãi. Nhiều người trong chúng ta có thể được mời ra trình bày một báo cáo, phát biểu trong buổi họp phụ huynh học sinh, nói lời chúc mừng trong lễ cưới. Làm sao để có thể vượt qua những thử thách đó? Câu trả lời là cần có sự chuẩn bị và luyện tập để vượt qua nó.

Quy tắc quan trọng nhất khi thực hành nói chuyện trước đám đông là cần phải biết mình đang nói gì. Điều này nghe có vẻ buồn cười, nhưng thông thường nhiều người nói lại không có một ý niệm rõ ràng về những gì họ truyền đạt đến người nghe. Cần phải biết chính xác ta sẽ đưa người nghe đến đâu. Một khi đã biết, hãy liệt kê nó thành 3 hay 4 điểm chính và soạn bài nói của mình tập trung vào những điểm này thôi. Khi đã chuẩn bị xong, hãy luyện tập với nó. Việc luyện tập bao gồm nhiều yếu tố, trong đó việc “luyện giọng” đóng vai trò rất quan trọng.

Hình 2. 7. Nói chuyện trước đám đông cần sự tập luyện

Để có giọng nói hay, rõ ràng, mạch lạc thì phần nhiều phải do quá trình tập luyện mà nên. Có thể đạt được chất giọng như thế, nếu chịu khó tập luyện theo các bước như:

Hình 2.7. Nói chuyện trước đám đông cần sự tập luyện

Bước thứ nhất là luyện hơi: Hơi là động lực để con người phát ra tiếng nói. Hơi mạnh hay yếu có ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng phát âm. Do đó, muốn có giọng nói hay, trước tiên cần phải luyện hơi.

Luyện hơi bao gồm hít vào và thở ra.

Hít vào: Khi hít thở, cần phải hít vào thật sâu, hóp bụng và hít khí vào căng lồng ngực. Nhưng cần phải chú ý, khi hít vào không được nâng vai lên.

Thở ra: Thở ra thật chậm, dần dần đẩy khí vừa hít vào cơ thể ra ngoài. Khi thở ra hai hàm răng khép lại, để không khí từ từ thoát ra qua các kẽ răng, phải thở ra thật chậm và lâu mới có thể đạt hiệu quả tốt nhất.

Khi luyện tập hít thở, phải thật kiên trì để có được kết quả tốt.

Bước thứ hai là luyện thanh: Trước khi luyện thanh, đầu tiên phải thả lỏng thanh đới, khởi động bằng những âm nhỏ nhẹ, êm ái. Lúc mới bắt đầu tập, tuyệt đối không được hét to ngay, bởi như vậy sẽ làm hỏng hoặc khiến dây thanh bị tổn thương. Các ca sĩ hay diễn viên kịch khi luyện thanh thường bắt đầu dần dần từng bước từ thấp đến cao.

Sau khi hoàn thành các bước chuẩn bị cho dây thanh, tiếp theo sẽ chuẩn bị cho miệng. Không thể coi nhẹ tác dụng của miệng, một người có giọng nói hay hay không, phụ thuộc rất nhiều vào miệng. Sau đây là một số bài tập cơ bản:

  1. Hoạt động cơ mặt bằng cách há ngậm miệng, đây là bước chuẩn bị cho hoạt động cơ mặt trong quá trình luyện thanh.
  2. Luyện mũi và vòm họng, có thể thực hiện bằng cách bắt chước tiếng vịt kêu. Thế nhưng khi nói chuyện, chúng ta phải chú ý, không nên liên tục sử dụng giọng mũi, bởi nó rất dễ gây phản cảm.
  3. Luyện nhả chữ. Mới nghe thì nhả chữ và phát âm có vẻ không liên quan đến nhau, nhưng thực tế chúng có quan hệ rất mật thiết. Bởi muốn nói tròn vành rõ chữ, thì nhất định phải nhả chữ rõ ràng, tròn trịa.

Những phương pháp trên có thể giúp bạn luyện giọng. Nhưng khi luyện tập cần chú ý, buổi sáng mới ngủ dậy không nên luyện ngoài trời bởi có thể làm tổn thương dây thanh. Đặc biệt là khi nhiệt độ trong nhà và ngoài trời chênh lệch quá cao, không khí lạnh đột ngột sẽ ảnh hưởng không tốt tới dây thanh.

Bước thứ ba là luyện phát âm: Để phát âm rõ ràng, bạn phải tập đọc lớn mỗi ngày vài trang sách, đọc thật kỹ từng chữ đến khi nào ta nhập tâm. Nếu khi nói chuyện với mọi người mà còn phát âm vội vã, chưa tròn chữ thì phải luyện tập tiếp.

Tập phát âm để sửa các lỗi do đặc trưng vùng miền (như L_N, S_X, TR_CH…). Khi giao tiếp với người thuộc địa phương khác hoặc trong các cuộc gặp gỡ, làm việc trang trọng, phát âm không rõ, sai có thể gây hiểu lầm, phản cảm nghiêm trọng.

 Bước thứ tư là luyện âm lượng và tốc độ:

Âm lượng: Khi nói quá to thường bị cho là thô lỗ, nói quá nhỏ thì bị xem là tự ti, nhút nhát không mấy ấn tượng… Vì vậy, hãy luyện tập để có giọng nói rõ ràng, vừa đủ nghe, phù hợp với tình huống giao tiếp. Để kiểm tra xem mình nói đã vừa nghe hay chưa có nhiều cách. Tốt nhất là nên hỏi ý kiến một vài người bạn hoặc ghi âm lại giọng nói rồi tự mình đánh giá, cảm nhận.

Tốc độ nói: Cũng như âm lượng, khi nói nên tránh nhịp điệu đều đều suốt từ đầu đến cuối. Phải có lúc nhanh hơn một chút, phải có lúc chậm hơn một chút, thậm chí có lúc dừng lại vài giây để gây ấn tượng, để mọi người suy nghĩ. Đặc biệt là khi vừa đặt ra một câu hỏi, đề cập đến một tình tiết nào đó mang tính chuyển đổi hay chuyển qua một tình huống mới. Sự dừng lại này là một cách thay đổi không khí nói chuyện, giúp người nghe tập trung hơn vào người nói.

Nói nhanh quá làm cho não bộ người nghe phải tiếp nhận một lượng thông tin lớn, và khiến họ bị quá tải, mệt mỏi. Ngược lại, nói quá chậm cũng làm bộ não người nghe không cần phải làm việc nhiều, và cũng sinh buồn ngủ. Cần phải khéo điều chỉnh tốc độ sao cho vừa phải, đừng nhanh quá, nhưng cũng đừng chậm quá.

  Bước thứ năm, là luyện ngữ điệu: Ngữ điệu là sự trầm bổng của các tiếng phối hợp với nhau. Ngữ điệu không đòi hỏi phải du dương, mượt mà, lả lướt như điệu nhạc, nhưng cần phải có sự êm ái nhất định. Một trong những cách để có một ngữ điệu êm ái là tập nói rồi ghi âm và nghe lại giọng nói của mình để điều chỉnh những điểm chưa phù hợp. Trong câu nói, câu chuyện nên có sự trầm bổng, nhấn nhá để tạo sự thu hút từ người nghe. Tránh nói chuyện bằng giọng đều đều, buồn ngủ.

2.6.3. Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ cơ thể

Như đã đề cập ở chương trước, giao tiếp bằng lời nói bao gồm 2 yếu tố: ngôn từ và phi ngôn từ (bao gồm giọng điệu). Trong đó ngôn từ chỉ chiếm 7% tác động đến người nghe, 38% là do giọng điệu và quan trọng nhất 55% lại dành cho ngôn ngữ cơ thể.

Trong xã hội hiện đại và nhất là trong môi trường giao tiếp quốc tế, yếu tố tinh tế trong giao tiếp thông qua cử chỉ, điệu bộ rất cần thiết cho mỗi chúng ta. Cần tự nhận thức ngôn ngữ cơ thể cũng như tập cách quan sát ngôn ngữ này của người khác sẽ giúp ta hiểu rõ hơn đối tác mà ta đang giao tiếp.

Hình 2.8. Ngôn ngữ cơ thể – thông điệp quan trọng

Trong giao tiếp, ngoài việc để ý đến các cử chỉ điệu bộ và thông điệp của người đối diện, chúng ta nên biết cách đọc được những cử chỉ của người ấy và ý nghĩa của chúng. Khi có được kinh nghiệm đó, bạn sẽ nhận biết người đối diện, nhận biết bản thân và kiểm soát bản thân cũng như người đối diện bằng ngôn ngữ cơ thể.

Thông thường, sau khi chào hỏi xã giao, người có kinh nghiệm bắt đầu chú ý đến những cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể của người đối diện. Khi kiểm soát hành vi, cử chỉ của mình và của người đối diện, chúng ta sẽ thấy được những cái lợi của ngôn ngữ cơ thể. Ngôn ngữ của cơ thể phản ánh cảm xúc thực sự bên trong nên hiểu được nó, ta có thể sử dụng chúng một cách hợp lý nhất.

Sử dụng ngôn ngữ cơ thể một cách đúng lúc, đúng chỗ càng tôn thêm hình ảnh của bạn trong mắt người nghe. Ngôn ngữ cơ thể bao gồm nhiều khía cạnh, bao gồm: các cử chỉ, động tác được thể hiện qua ánh mắt, nụ cười, biểu cảm trên gương mặt, hành động của bàn tay…

Biểu cảm trên khuôn mặt: Con người có thể thể hiện chính mình hoặc biểu lộ cảm xúc, biểu lộ suy nghĩ thông qua sự biểu cảm ở khuôn mặt. Những trạng thái khác nhau biểu cảm trên khuôn mặt sẽ giúp bản thân mình tự tin hơn và dễ thành công hơn trong giao tiếp.

Nói chung, có thể phân biệt khá rõ ràng về 21 sắc thái cảm xúc chủ đạo trên gương mặt. Chẳng hạn như: 99% thời gian, người ta bày tỏ sự hạnh phúc bằng cách rướn má và nhoẻn miệng cười. Sự ngạc nhiên cũng rất dễ phát hiện, do 92% số người tình nguyện mở to mắt và hạ thấp hàm…

Phân tích cho thấy, các cảm xúc lẫn lộn được biểu lộ thông qua sự kết hợp một số đặc điểm của cảm xúc đơn lẻ. Ví dụ, ai đó “ngạc nhiên một cách vui vẻ” sẽ dịch chuyển tất cả các cơ gắn liền với việc thể hiện sự ngạc nhiên, cộng thêm biểu lộ một nụ cười…

Có thể tóm lược 21 sắc thái biểu cảm riêng rẽ trên mặt người như sau:

1/ Hạnh phúc;

2/ Đau buồn;

3/ Sợ hãi;

4/ Tức giận;

5/ Ngạc nhiên;

6/ Ghê tởm;

7/ Kinh hoàng;

8/ Ngạc nhiên một cách vui vẻ;

9/ Ghê tởm một cách vui vẻ;

10/ Sợ hãi một cách vui vẻ;

11/ Ngạc nhiên một cách buồn bã;

12/ Tức giận một cách buồn bã;

13/ Ghê tởm một cách buồn bã;

14/ Tức giận một cách sợ hãi;

15/ Ngạc nhiên một cách sợ hãi;

16/ Ghê tởm một cách sợ hãi;

17/ Ngạc nhiên một cách tức giận;

18/ Ghê tởm một cách giận dữ;

19/ Ngạc nhiên một cách ghê tởm;

20/ Căm ghét;

21/ Kinh sợ.

– Giao tiếp bằng mắt: Đôi mắt được ví là cửa sổ của tâm hồn, là yếu tố bộc lộ rõ nhất cảm xúc của con người. Trong khi giao tiếp, có thể hiểu được cảm xúc người khác thông qua ánh mắt để có cách ứng xử phù hợp:

+ Không giao tiếp bằng mắt: Khi muốn che giấu điều gì  hoặc nói dối, người ta thường tránh hoặc không giao tiếp bằng mắt.

+ Nhìn lướt qua: Khi cảm thấy chán, người ta thường nhìn lướt qua người đối diện hoặc liếc nhìn xung quanh phòng

Hình 2.9. Đa dạng biểu cảm trên khuôn mặt

+ Nhìn sâu vào mắt người đối diện: Người nào tỏ ra bực tức với bạn hoặc hợm hĩnh thường nhìn chằm chằm vào mắt bạn.

+ Duy trì giao tiếp mắt: Liên tục duy trì giao tiếp mắt cho thấy là biểu hiện của sự trung thực và đáng tin cậy.

+ Ánh mắt hỗ trợ ngôn ngữ nói: Ánh mắt đi kèm theo lời nói sẽ làm cho lời nói truyền cảm hơn, tự tin hơn, thuyết phục hơn.

+ Ánh mắt thay thế lời nói: Có những điều kiện, hoàn cảnh người ta không cần nói nhưng vẫn có thể làm cho người ta hiểu được điều mình muốn nói thông qua ánh mắt.

Yêu cầu khi sử dụng ánh mắt: Phải thể hiện đúng ánh mắt mình muốn chuyển tải điều cần nói, đồng thời không nên sử dụng những ánh mắt khó chịu, soi mói, chằm chằm…

– Nụ cười: Nụ cười được xem là một trang sức trong giao tiếp và cũng là phương tiện làm quen hay xin lỗi rất tinh tế, ý nhị.

Biết sử dụng nụ cười đúng lúc, hợp lý là một nghệ thuật cần được rèn luyện thường xuyên để có thể biểu cảm thông qua các kiểu cười khác nhau. Luôn nở nụ cười trên môi sẽ tạo được kết quả giao tiếp tốt.

Nụ cười có thể giúp ta thiết lập một bước cực kỳ tích cực trong kỹ năng giao tiếp. Nó giúp ta để lại ấn tượng sâu sắc hơn cho người đối diện. Nụ cười có thể làm tâm trạng của những người ta giao tiếp trở nên tích cực. Nụ cười có thể sẽ làm cho người khác cảm thấy hạnh phúc hơn.

– Vị trí và khoảng cách trong giao tiếp: Vị trí và khoảng cách trong giao tiếp khi ngồi hoặc đứng đều vô tình hay cố ý thể hiện thái độ, mục đích của mỗi người. Khi đứng nói chuyện trực diện, mặt đối mặt, điều đó thể hiện các đối tác muốn trò chuyện thẳng thắn, thân thiện về vấn đề nào đó.

– Vị trí và khoảng cách giữa hai người khi trò chuyện cho thấy ta tôn trọng không gian riêng tư của người khác. Khi ta đứng quá gần, người nghe sẽ cảm thấy mình bị lấn át và tỏ ra không dễ chịu. Một khoảng cách hợp lý giữa hai người sẽ tạo nên sự hài hòa, thoải mái trong buổi nói chuyện. Đừng đứng quá gần. Mỗi người đều cần có khoảng không gian riêng, đừng xâm chiếm nó. Với người lớn tuổi, nên đứng lại gần hơn một chút vì họ có thể bị lãng tai, không nghe rõ.

– Khoảng cách này chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, trong đó văn hoá là một trong các yếu tố cơ bản. Mỗi một nền văn hoá thường đặt ra một khoảng không gian tối ưu cho mỗi loại giao tiếp. Nói chung, trong nền văn hóa phương Tây có thể chia ra 4 mức độ khoảng không gian trong giao tiếp:

+ Khoảng cách thân mật: 0-40cm, được sử dụng trong giao tiếp giữa các người thân thiết;

+ Khoảng cách cá nhân: 40-120cm, được sử dụng trong giao tiếp với người quen biết;

+ Khoảng cách xã hội: 120- 400cm, được sử dụng trong giao tiếp với người lạ và giao tiếp chính thức;

+ Khoảng cách công cộng: Từ 400cm, được sử dụng trong các buổi phát biểu hoặc thảo luận với các nhóm.

Những khoảng cách này thay đổi đáng kể ở các nền văn hoá, và có thể tạo ra một số trở ngại trong tương tác cá nhân.

Các nghiên cứu cho thấy: Trong nền văn hóa Âu- Mỹ khoảng cách giao tiếp lớn nhất, còn khoảng cách giao tiếp nhỏ nhất là trong nền văn hóa người Ả Rập.

– Động tác cơ thể trong giao tiếp: Cử chỉ và điệu bộ trong giao tiếp bộc lộ những suy nghĩ thầm kín, thể hiện được nhiều điều mà lời nói không làm được. Thái độ ứng xử cho biết giao tiếp bằng cử chỉ thể hiện được nhiều điều mà lời nói không làm được.

Khi không thể diễn đạt được bằng lời nói, tốt hơn hết chúng ta nên sử dụng điệu bộ. Điệu bộ phản ánh chính xác, cảm giác, thái độ và ý định của con người. Có thể nêu ra một vài động tác cơ thể trong giao tiếp như:

+ Nghiêng đầu: Hơi nghiêng đầu chứng tỏ người đó không tự tin lắm về điều vừa được nói.

+ Gật đầu: Khi đồng ý với bạn, người đối diện sẽ gật đầu trong khi bạn đang nói

+ Vung tay: Nhiều người có quan điểm sai lầm rằng: Vung tay càng nhiều trong lúc nói chuyện thì hình ảnh của họ có vẻ càng trở nên sinh động, lôi cuốn. Trong thực tế, chỉ nên sử dụng bàn tay để diễn giải vấn đề thêm rõ ràng trước người nghe. Hoạt động của bàn tay trong quá trình nói chuyện nên đúng mực, kết hợp khéo léo với quan điểm thái độ bản thân, hoặc gắn kết với cao trào của câu chuyện cũng như tầm quan trọng của vấn đề.

+ Bắt tay: Đối với một số người, cử chỉ bắt tay chỉ là một thủ tục nghi lễ. Nhưng đối với đa số thì cử chỉ bắt tay không chỉ là một dấu hiệu của tình bạn mà cách bắt tay của bạn là một sự khẳng định sâu xa về tính cách con người bạn, nó có thể nói lên bạn là ai, trong mắt bạn đối tác có ý nghĩa như thế nào, nó có thể thể hiện sức mạnh của bạn và cả độ đáng tin cậy của bạn nữa.

Một cái bắt tay lỏng lẻo có thể chỉ ra sự bất an, yếu đuối, không thực sự quan tâm đến chính người mà đang được bắt tay. Một cái bắt tay lướt nhanh có thể truyền đạt sự kiêu ngạo. Ngược lại, một cái bắt tay ấm áp, mạnh đúng mức có thể truyền đạt sự tự tin, ổn định và đáng tin cậy, mở ra một cuộc đối thoại mới và thậm chí là một mối quan hệ mới.

Hình 2.10. Động tác cơ thể trong giao tiếp

+ Tư thế và điệu bộ (Posture & Body Orientation): Nhiều thông điệp được chuyển tải qua chuyển động cơ thể. Ví dụ: Khi đứng thẳng lưng, hơi nghiêng người về phía trước, người ta sẽ hiểu bạn là người dễ gần, dễ tiếp thu và thân thiện. Tư thế ngồi nghiêm, cứng nhắc: Có thể sẽ gây cho người đối diện cảm giác bạn là người quá cứng nhắc và nguyên tắc trong công việc. Tư thế ngồi khoanh tay trước ngực thể hiện sự phòng thủ hay thậm chí là tín hiệu của sự kiêu căng, đôi khi bất lịch sự. Còn khoanh hai tay để trên bàn lại là dấu hiệu của sự thụ động và thiếu tự tin.

Để luyện tập và trau dồi kỹ năng nhận biết ngôn ngữ cơ thể, cần dành thời gian quan sát những người xung quanh, đặc biệt là quan sát ngôn ngữ cơ thể của các nhân vật trên truyền hình, để ý cách họ ứng xử với những người khác. Trong quá trình quan sát, nhận xét, phân tích đó, ta sẽ thu thập nhiều thông tin. Điều này làm tăng kỹ năng quan sát và sẽ giúp tăng độ nhạy bén trong việc đọc các tín hiệu của ngôn ngữ cơ thể khi giao tiếp với đối tác.

Khi đã hiểu và vận dụng được ngôn ngữ cơ thể, ta có thể dùng nó để diễn đạt tốt hơn thông điệp đang cần truyền tải hay củng cố thêm sức mạnh cho những gì đang nói. Trong nhiều trường hợp thì điều này mang ý nghĩa tích cực. Tuy nhiên, phải cẩn trọng vì đôi lúc ta không điều khiển được những cử chỉ của mình. Việc này sẽ làm gây phản tác dụng, và có thể làm mất đi niềm tin cũng như sự tín nhiệm trong mắt đối tượng giao tiếp một cách nghiêm trọng.

2.7 MỘT SỐ NGUYÊN TẮC GIAO TIẾP CƠ BẢN NƠI CÔNG SỞ

2.7.1. Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp

– Bắt đầu từ thái độ: Thái độ vẫn được xem là sự khởi đầu những mối quan hệ, và thậm chí là của những cơ hội. Hãy tưởng tượng bạn là một người mới đến cơ quan, thái độ cư xử đúng mực như sự khiêm nhường phù hợp, tôn trọng những người ở cơ quan và công việc họ đang làm, những câu chào và cử chỉ thân thiện sẽ đem lại thiện cảm của bao người, dù đó là những cán bộ kế toán khó tính nhất, cán bộ tín dụng hay bảo vệ và người phục vụ.

– Làm thật tốt công việc của mình: Cách đơn giản nhất và dễ nhất bạn có thể bắt đầu xây dựng được mối quan hệ ở nơi làm việc, cũng như mở đầu những câu chuyện, hay thậm chí sâu hơn là hiểu về những người xung quanh, chính là từ công việc của bạn. Trong một cơ quan làm việc chuyên nghiệp, mỗi cá nhân luôn là một mắt xích, không kể đến vị trí làm việc của bạn cao hay thấp, công việc bạn làm là một phần không thể thiếu, và sẽ có mối liên hệ với các đồng nghiệp khác, có thể là cùng phòng hay khác phòng ban, thường một công việc không chỉ bó hẹp trong một nhóm hay một phòng ban nào đó. Nếu khởi đầu với một thái độ tốt, lại biết cách lắng nghe và học hỏi hợp lý, tích cực trong công việc, chắc hẳn mọi người đều không ngần ngại hỗ trợ bạn làm tốt công việc, thậm chí chia sẻ nhiều hơn cả những gì bạn mong muốn.

– Tế nhị trong giao tiếp, chân thành trong hành động: Khi mọi người đã mở lòng mình với bạn, hãy trân trọng và giữ gìn nó. Có nhiều cách để làm được việc này, nhưng có lẽ cách đơn giản và hiệu quả nhất chính là sự chân thành. Chân thành, không suồng sã quá, hay bộc trực quá thì lại càng tốt, bởi không chỉ trong môi trường xã hội thu nhỏ, mà kể cả gia đình, nhiều lúc sự tế nhị là cần thiết để giữ cho mối quan hệ không bị nhàm chán hoặc quá sa đà.

– Tham gia các hoạt động tập thể dù bạn có thích hay không: Công việc bận rộn, thời gian hạn chế đôi khi làm cho những nỗ lực gắn kết tập thể trở nên không hiệu quả, bởi mọi người muốn dành chút thời gian nghỉ ngơi ít ỏi cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, từ lời khuyên của những tập đoàn tư vấn nhân sự lớn, cũng như thực tiễn cuộc sống, các hoạt động tập thể lành mạnh và tích cực luôn giúp cho các thành viên trong cơ quan hiểu nhau hơn, còn đối với những người mới, đó là cơ hội giao tiếp và làm quen, trau dồi kỹ năng giao tiếp.

– Giao lưu ngoài giờ: Cũng giống như các hoạt động mang tính tập thể của cơ quan, nhưng giao lưu ngoài giờ mang màu sắc gắn kết chặt chẽ hơn, giúp cho những người cùng chí hướng và mục tiêu, lý tưởng, có cơ hội để kết bạn, thân thiết hơn. Nếu bạn đang tìm kiếm thêm bạn hữu hoặc đơn giản là muốn có mối quan hệ gần gũi hơn với đồng nghiệp, đây chính là hiệu quả. Nếu như môi trường cho thấy cách ứng xử của mỗi con người trong công việc, thì các hoạt động tập thể cho thấy cách họ xử lý các mối quan hệ xã hội, còn giao lưu ngoài giờ có thể giúp có một bức tranh toàn diện hơn về những tâm tư, nguyện vọng và tình cảm của mỗi cá nhân. Chẳng hạn, giao lưu công đoàn, giao lưu thể thao giúp cho bạn gần gũi hơn với mọi người, bộc lộ những cá tính riêng.

2.7.2. Hợp tác ăn ý với đồng nghiệp

– Xác định mục tiêu chung: Nếu mỗi người một ý và khăng khăng thực hiện theo ý mình thì thật khó để có thể hoàn thành công việc đúng hạn. Do đó, trước khi bắt tay vào công việc, bạn và đồng nghiệp nên thảo luận, đặt ra mục tiêu chung về hướng đi, kết quả cần đạt được. Các bạn nên gặp mặt trực tiếp để thống nhất mọi việc. Điều này sẽ giúp mọi người đi đúng hướng và tránh sự bất đồng không cần thiết trong quá trình thực hiện công việc.

Đặt bản thân vào hoàn cảnh của người khác: Bạn có thể cải thiện mối quan hệ của mình với nhân viên khác, bằng cách nhìn nhận vấn đề từ hoàn cảnh của họ. (Ví dụ, bạn thấy bực mình khi đồng nghiệp trả lời cụt lủn trong khi bạn đã gửi email trình bày chi tiết, cụ thể). Nhưng nếu đặt mình vào vị trí của họ bạn sẽ biết rằng họ bận trăm công nghìn việc đến nỗi không có thời gian nghỉ ngơi, nên không có thời gian viết lại cho bạn bức thư dài dòng như bạn mong đợi. Họ sẽ cảm thấy thoải mái và đánh giá cao, nếu bạn trình bày ngắn gọn và đi vào trọng tâm vấn đề khi nói chuyện.

Luôn lịch sự và chuyên nghiệp: Hãy luôn chân thành với đồng nghiệp và cố gắng hợp tác trên con đường dài. Kể cả khi có ai đó cản trở, duy trì sự chuyên nghiệp và khéo léo sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả với tất cả những người bạn hợp tác. Bạn không nhất thiết phải trở thành người bạn tốt nhất của mọi đồng nghiệp mà chỉ cần làm việc hiệu quả nhất với họ. Thực tế, có một số người ít quan tâm đến làm việc hiệu quả với mọi người mà quan tâm hơn là cách ứng xử để mọi người vừa lòng, vì vậy, họ không được đồng nghiệp tôn trọng về mặt chuyên môn. Ngược lại, một số người khác quan tâm đến hiệu quả công việc cùng với mọi người mà quên mất cách ứng xử cho vừa lòng mọi người xung quanh, họ thường bị mọi người xung quanh phê bình về cách xử sự.

Xây dựng hình tượng tốt: Cần kiểm soát lời nói và hành động của mình để xây dựng một hình tượng tốt đẹp là điều rất cần thiết đối với mỗi chúng ta. Mình muốn được mọi người quý mến trước tiên mình phải chấn chỉnh mình trước thì mới có thể chỉnh người khác được, phải dựng chữ tín lên hàng đầu. Muốn được người khác tôn trọng, trước hết bạn hãy tôn trọng chính mình bằng việc xây dựng hình ảnh tốt trong mắt những người xung quanh.

2.7.3. Là một đồng nghiệp tốt

Hầu hết mọi người ai cũng hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ trong cuộc sống. Không có gia đình và bạn bè, cuộc sống của bạn không những buồn tẻ mà còn gặp nhiều khó khăn vì bạn phải một mình đối mặt với mọi việc. Trong công việc cũng vậy, không ai đi một mình đến đỉnh thành công, sẽ có những lúc bạn cần sự giúp đỡ của đồng nghiệp để giải quyết những khó khăn trong công việc. Mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp còn làm cho cuộc sống nơi công sở của bạn cân bằng. Chính yếu tố này sẽ đem lại hiệu suất làm việc cao hơn, giúp bạn tiến nhanh hơn trên con đường sự nghiệp. Áp dụng 6 gợi ý sau, bạn có thể sẽ tạo nên một môi trường làm việc thoải mái và hiệu quả.

Thân thiện với mọi người: Hình ảnh của bạn tại nơi làm việc không chỉ thể hiện qua kết quả công việc bạn đạt được mà chính thái độ của bạn cũng góp phần không nhỏ trong việc xây dựng hình ảnh này. Một nụ cười hay lời chào vui vẻ khi gặp đồng nghiệp là cách thể hiện sự thân thiện và tích cực. Bạn cũng nên để ý đến những hành động nhỏ nhưng có ảnh hưởng lớn như: Giúp mở cửa, giữ nút thang máy, nhặt đồ đánh rơi, nhường đường… Bạn muốn làm việc với những người bạn thích và chắc chắn đồng nghiệp của bạn cũng vậy.

Giúp đỡ nhiệt tình: Khi xong việc của mình, tất nhiên bạn được phép nghỉ ngơi và thư giãn một chút. Nhưng bạn tận dụng khoảng thời gian này để giúp một đồng nghiệp đang “ngập đầu” giải quyết những phàn nàn của khách hàng, đồng nghiệp của bạn không những cảm kích mà chắc chắn trong những tình huống tương tự, họ cũng sẽ hỗ trợ bạn hết mình.

Chủ động nhận việc khó: Chắc chắn bạn sẽ gặp nhiều thử thách để giải quyết những công việc phức tạp. Nhưng nếu bạn chủ động nhận phần việc khó về mình, bạn đã thể hiện bản thân mình là một người tự tin, tích cực, không ngại khó, ngại khổ. Đây cũng là cơ hội để bạn hoàn thiện kỹ năng và nâng cao kiến thức, lãnh đạo và đồng nghiệp chắc chắn sẽ đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của bạn.

Cư xử lịch thiệp: Nơi bạn làm việc là một xã hội thu nhỏ và bạn đang ở nơi công cộng, vì vậy, bạn cần ý thức về hành động của mình để không làm đồng nghiệp khó chịu. Ví dụ: tắt đèn và các thiết bị khác sau khi họp xong, bỏ giấy vào máy in khi sử dụng hết giấy… Khi các thiết bị văn phòng như máy in, máy fax, điện thoại… gặp trục trặc mà bạn không giải quyết được, đừng làm ngơ bỏ đi mà hãy thông báo ngay đến bộ phận liên quan để được hỗ trợ. Trong môi trường làm việc mở, mọi người ngồi rất gần nhau, bạn đừng để những sở thích cá nhân ảnh hưởng đến người khác. Ví dụ: nếu bạn thích nghe nhạc, hãy dùng tai nghe; khi bạn nói chuyện điện thoại, hãy hạ thấp giọng hoặc tìm một chỗ vắng người để nói chuyện; đừng ăn những món ăn nặng mùi như sầu riêng tại bàn làm việc…

Chào đón đồng nghiệp mới: Ấn tượng về ngày đầu tiên của bạn tại công ty như thế nào? Bạn không biết ai, bạn bối rối không biết toilet ở đâu hay sử dụng máy fax như thế nào? Đừng để điều này xảy ra với đồng nghiệp mới, đặc biệt nếu họ làm chung nhóm với bạn. Khi thấy họ lạc lõng trong môi trường mới, hãy chủ động bắt chuyện, giới thiệu họ với những đồng nghiệp khác, giúp đỡ khi cần thiết để họ hòa nhập nhanh hơn với nhóm và công ty. Lòng tốt của bạn chắc chắn sẽ được ghi nhận với sự cảm kích.

Ghi nhận sự giúp đỡ của đồng nghiệp: Trong những tình huống bạn hoàn thành xuất sắc công việc của mình với phần nào sự hỗ trợ của đồng nghiệp, hãy bày tỏ sự biết ơn chân thành đối với họ, cũng như cho lãnh đạo của bạn biết vai trò của họ trong tình huống đó. Họ sẽ cảm thấy tự hào vì giúp được bạn, mối quan hệ giữa bạn với đồng nghiệp sẽ tốt đẹp hơn và hai bên sẵn lòng giúp đỡ nhau khi cần thiết. Lời khuyên cuối cùng dành cho bạn trong việc xây dựng những mối quan hệ nơi công sở: hãy đối xử với mọi người theo cách mà bạn muốn họ đối xử với bạn. Tìm cách để mọi người, ai cũng muốn làm việc, hợp tác và hỗ trợ bạn, nhất định bạn sẽ thành công.

PHẦN THỰC HÀNH KỸ NĂNG GIAO TIẾP

1. Làm quen với người lạ

Bài tập này yêu cầu bạn thường xuyên tiếp xúc với mọi người và nói chuyện với họ về những lĩnh vực, chủ đề khác nhau. Bạn phải làm chủ được câu chuyện và bắt được nhịp của cuộc nói chuyện đó. Nếu bạn thấy mình vẫn còn nhiều khuyết điểm sau các cuộc trò chuyện như vậy, thay vì nản chí, thì hãy cố gắng trau dồi, học hỏi thêm.

Nếu thực hiện tốt bài tập kỹ năng giao tiếp đầu tiên này, bạn sẽ cải thiện đáng kể khả năng ăn nói của mình đấy.

Bạn có thể bắt đầu với những câu xã giao thông thường, như hỏi về tên tuổi, quê quán để nắm rõ những thông tin cơ bản. Sau đó, bạn có thể thử một vài câu hỏi về các chủ đề khác, như thể thao, văn hóa, âm nhạc để xem họ có điểm chung nào với mình hay không.

2. Học cách lắng nghe

Để có thể là một người lắng nghe tốt, hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người đối diện để thấu hiểu những quan điểm của họ.

Ngôn ngữ cơ thể khi bạn lắng nghe ai đó nói cũng rất quan trọng. Bạn nên cúi nhẹ về phía trước và nhìn thẳng vào mắt họ, thỉnh thoảng gật đầu khi cần để cho đối phương thấy là bạn đang lắng nghe và đồng cảm với câu chuyện họ chia sẻ.

Điều tối kị khi giao tiếp chính là ngắt lời người khác. Hãy để họ chia sẻ hết rồi sau đó bạn mới nêu lên quan điểm của mình. Nếu bạn ngắt lời ai đó, ngay cả khi bạn có ý định tốt, sẽ hạn chế cơ hội để cho người nói thể hiện đầy đủ cảm xúc hoặc ý kiến của mình. Hãy cố gắng rèn luyện khả năng lắng nghe để cải thiện giao tiếp bạn nhé.

3. Trình bày trôi chảy

Bạn có thể chuẩn bị trước những gì bạn muốn nói, không cần phải quá chi tiết từng câu chữ mà chỉ cần nêu lên được những ý chính bạn muốn truyền đạt. Từ đó, bạn sẽ tự tin hơn vì đã có trong đầu những nội dung chính bạn muốn nói, cũng sẽ tránh được tình trạng ấp a ấp úng hoặc diễn đạt sai vấn đề. Việc chuẩn bị trước nội dung của cuộc nói chuyện là rất cần thiết, nhất là khi bạn phải thuyết trình trước đám đông.

Tự thu âm những gì mình nói sau đó nghe lại. Như vậy, bạn sẽ nhận thấy được những khuyết điểm như nói nhanh hay chưa có từ nối. Một cách nữa cũng được nhiều người áp dụng là đứng trước gương và tập nói như bạn đang trò chuyện với người khác, lâu dần bạn sẽ quen với việc nói trước đám đông và trở nên tự tin hơn.

Nói lưu loát khác với nói nhanh. Bạn không cần phải nói quá nhanh, hãy duy trì tốc độ nói vừa phải để người nghe có thể tiếp thu hết những gì bạn nói. Không nói quá chậm để họ cảm thấy nhàm chán và cũng không nói quá nhanh vì sẽ khiến người nghe không tiếp nhận được hết các thông tin quan trọng.

4. Những điểm cần lưu ý khác

Nhớ tên của người đối diện

Việc ghi nhớ tên của người khác cũng khiến họ cảm thấy rằng bạn thật sự quan tâm tới họ và họ có một vị trí nhất định trong lòng bạn. Như vậy thì cuộc trò chuyện của cả hai cũng sẽ diễn ra dễ dàng và cởi mở hơn.

Rèn luyện khả năng giao tiếp thông qua văn viết

Hầu hết các công việc hiện nay đều đòi hỏi kỹ năng viết ở mức độ nhất định nào đó, đơn giản nhất là việc viết email. Vì vậy, bạn có thể luyện tập kỹ năng giao tiếp của mình qua các bài viết trên blog hay mạng xã hội. Tuy nhiên, nội dung của chúng phải liên quan tới lĩnh vực của bạn nữa nhé.

Điều chỉnh tông giọng

Tông giọng của bạn cũng sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc nói chuyện. Những người nói quá bé, thậm chí là lí nhí, sẽ không tạo được cảm giác tin tưởng và còn có thể gây khó chịu cho đối phương. Đồng thời, nói quá lớn cũng khiến người nghe không thoải mái. Do vậy, bạn nên chú ý điều chỉnh tông giọng của mình tùy vào hoàn cảnh và nơi chốn.

TRẮC NGHIỆM KỸ NĂNG GIAO TIẾP

Có thể sơ bộ đánh giá khả năng giao tiếp của bản thân thông qua thực hiện các bài trắc nghiệm (theo yourbrainmatters.org.au). Ví dụ như với bài trắc nghiệm ngắn bao gồm 10 câu hỏi, với 3 phương án trả lời a, b, c. Chọn phương án phù hợp nhất với bản thân:

1) Trong đơn vị, khi có hai đồng nghiệp bất hòa, bạn sẽ hành động như thế nào?

  1. Bạn thường lảng tránh ra xa vì nó chẳng liên quan gì đến mình.
  2. Có lúc bạn tham gia vào việc hòa giải, có lúc bạn lại chẳng muốn quan tâm.
  3. Bạn sẽ tích cực tham gia vào việc hòa giải.

2) Trong khi chuẩn bị cho một cuộc họp, cấp trên giao cho bạn chuẩn bị ý kiến thì tâm trạng của bạn như thế nào?

  1. Bạn rất bối rối.
  2. Có lúc thì cảm thấy bối rối, có lúc cảm thấy bình thường.
  3. Bạn cảm thấy bình thường.

3) Khi bạn phải đối diện với một người lạ, bạn sẽ cảm thấy tâm trạng của mình như thế nào nếu sự im lặng kéo dài?

  1. Bạn cảm thấy nặng nề khó chịu.
  2. Có lúc bạn cảm thấy khó chịu, có lúc lại thấy bình thường.
  3. Bạn cảm thấy bình thường.

4) Trong công việc, khi được cấp trên giao cho bạn đi làm thêm một việc gì đó thì cách đối phó của bạn như thế nào?

  1. Bạn sẽ tìm đủ mọi lý do để thoát khỏi công việc này.
  2. Cũng có lúc bạn làm điều đó.
  3. Bạn luôn vui vẻ làm việc đó như là bổn phận của mình.

5) Trong cuộc sống của bạn, khi có niềm vui hay nỗi buồn nào đó bạn sẽ biểu hiện nó như thế nào?

  1. Bạn sẽ chia sẻ chúng với những người xung quanh để làm vơi đi nỗi buồn hoặc làm cho niềm vui được nhân lên.
  2. Cũng có lúc bạn chia sẻ với người khác, nhưng có lúc bạn chẳng muốn chia sẻ với ai cả.
  3. Chẳng bao giờ bạn chia sẻ với ai cả vì đó cái riêng của bạn.

6) Khi đi trên phố, bạn gặp một người lạ đến hỏi và muốn nhờ bạn giúp một điều gì đó thì tâm trạng của bạn cảm thấy thế nào?

  1. Bạn cảm thấy rất khó chịu.
  2. Có lúc bạn cảm thấy khó chịu, nhưng có lúc bạn lại cảm thấy vui vì được giúp đỡ người khác.
  3. Bạn cảm thấy thoải mái khi giúp người khác, mặc dù bạn không quen biết họ.

7) Khi một người bạn mượn bạn một cái gì đó, nhưng đã đến thời gian phải trả nhưng người bạn vẫn chưa trả, buộc bạn phải hỏi. Bạn sẽ có tâm trạng như thế nào?

  1. Cảm thấy rất e ngại khi phải hỏi lấy lại vật mà người bạn đã mượn.
  2. Cũng có lúc cảm thấy e ngại.
  3. Bạn cảm thấy việc ấy là bình thường.

8) Khi bạn đến tiệm cắt tóc buộc bạn phải chờ đợi, bạn sẽ hành động như thế nào?

  1. Bạn sẽ quay về vì không muốn phải chờ đợi.
  2. Có lúc bạn cảm thấy khó chịu, có lúc bạn lại cảm thấy bình thường.
  3. Bạn cảm thấy chuyện ấy là bình thường.

9) Khi bạn có tâm sự muốn nói với người mình yêu, bạn sẽ làm như thế nào?

  1. Bạn sẽ viết thư để tâm sự.
  2. Có lúc bạn viết thư, còn có lúc bạn lại thích nói bằng lời.
  3. Bạn chỉ thích nói bằng lời.

10) Trong cuộc sống, khi bạn biết mình bị ốm bạn sẽ xử lý việc đi khám bệnh của mình như thế nào?

  1. Bạn sẽ trì hoãn cho đến khi không thể chịu được nữa mới đến gặp bác sỹ.
  2. Có lúc bạn trì hoãn, nhưng có lúc bạn lại cảm thấy lo lắng và đi gặp bác sỹ.
  3. Bạn sẽ đi gặp bác sỹ ngay.

– Cách tính điểm: 

+ Với mỗi câu: Chọn phương án a: tính 2 điểm;

+ Với mỗi câu: Chọn phương án b: tính 1 điểm;

+ Với mỗi câu: Chọn phương án c: tính 0 điểm.

-Tính tổng số điểm của mình và đối chiếu với kết quả dưới đây:

+ 1/ Nếu đạt được 14-20 điểm: Bạn chỉ thích sống với tâm tư của riêng mình, mọi niềm vui, nỗi buồn bạn chỉ muốn tự mình gánh chịu. Bạn là người không thích giao lưu với người khác, những giây phút cô đơn một mình thường đem lại cho bạn nhiều niềm vui hơn là tiếp xúc với người khác. Bạn sẽ tỏ ra vui vẻ với những mối quan hệ cũ, nhưng lại cảm thấy hết sức lúng túng khi phải thiết lập những mối quan hệ mới.

+ 2/ Nếu đạt được 5-13 điểm: Mức độ giao tiếp của bạn là vừa phải, bạn có thể yên tâm trong những hoàn cảnh hay tình huống mới đều có thể làm quen và hoàn thành tốt công việc của mình. Bạn là người khôn ngoan, nắm dược kỹ năng giao tiếp, biết lắng nghe người khác và đặt mình vào vị trí của người khác, biết lượng sức và biết lựa chọn cách xử lý mọi việc trong tình huống phức tạp. Vì vậy, bạn là người chiếm được nhiều cảm tình. Mọi việc bạn làm đều có mục đích, bạn sẽ không thích những cuộc tán gẫu không đâu hoặc sự ồn ào quá mức.

+ 3/ Nếu đạt được 0- 4 điểm: Mức độ giao tiếp của bạn cao hơn mức bình thường và nó được biểu hiện ở sự lắm lời đến phiền phức. Giao tiếp là nhu cầu không thể thiếu hàng ngày của bạn. Bạn sẵn sàng nhận và làm giúp công việc người khác mặc dù chưa biết mức độ khó khăn của công việc. Điều này trong quan hệ tình cảm bạn được mọi người ủng hộ, nhưng trong công việc dễ khiến mọi người trở nên nghi ngờ về năng lực của bạn. Hãy nghiêm khắc hơn và biết kiềm chế chính mình.

Chương sau: Kỹ năng tư duy

Hoàng Đức Bảo - CEO/Lectured soft skills

…………………………………

KỸ NĂNG MỀM – CHÌA KHÓA ĐỂ THÀNH CÔNG (Sách – Giáo trình)

Công ty VINABOOK hân hạnh tài trợ chương trình này. Giá bìa: 160.000 VNĐ – Hotline: 0938090115