Link Mua sách KỸ NĂNG MỀM TẠI ĐÂY
Tư duy là gì? bạn có phải là một người có kỹ năng tư duy tốt về mọi thứ? hay bạn chưa phải? Như thế nào là tư duy đúng cách và có hiệu quả?
“Tôi tư duy nên tôi tồn tại.” (I think; therefore I am.) _ Rene Descartes
3.1 TƯ DUY
3.1.1. Tư duy là gì?
Bạn chuẩn bị tham gia một cuộc thi chạy mà cái đích bạn cần đến nằm ở bờ hồ đối diện. Có hai con đường để cho bạn đến đích, một là chạy men theo bờ hồ và một là chạy qua cây cầu bắc qua hồ chỉ bằng một thân cây. Bạn sẽ phải lựa chọn một trong hai con đường đó. Chạy men theo bờ hồ sẽ an toàn hơn nhưng thời gian sẽ lâu hơn, còn đi qua cầu có thể sẽ không mất nhiều thời gian nhưng bạn sẽ rất dễ rơi xuống hồ và cuộc thi với bạn sẽ kết thúc. Sự suy nghĩ để lựa chọn cách đến đích như vậy gọi là tư duy.
Hình 3.1 Tư duy phản ánh nhận thức
Các nhà tâm lý học đã khẳng định tư duy chính là thể hoạt động trí não cấp cao nhất của con người. Tư duy chính là cốt lõi và tiền đề cho việc sáng tạo. Trong cuộc sống và đặc biệt trong công việc, nếu không có kỹ năng tư duy và giải quyết vấn đề thì sẽ khiến cho mình bị thụ động và không thể có những đột phá hay bước tiến mới.
Kỹ năng tư duy sự khác biệt và tối ưu về trí não của con người so với nhiều sinh vật khác trên Trái đất. Kỹ năng này cũng là cách để khẳng định khả năng và chỗ đứng của bản thân trong công việc và xã hội. Vì vậy, việc rèn luyện và nâng cao kỹ năng tư duy là rất quan trọng và cần thiết để tìm ra những phương pháp làm việc tốt nhất, mang lại hiệu quả công việc cao nhất.
Tư duy là sự phản ánh quá trình nhận thức ở trình độ cao một cách khái quát, tích cực, gián tiếp và sáng tạo về thế giới qua các khái niệm, suy lý và phán đoán.
Đặc điểm của tư duy là sự khái quát hóa, trừu tượng hóa để hình thành khái niệm, lý thuyết và hoạt động nhận thức sáng tạo. Có thể nói, trừu tượng hóa và khái quát hóa luôn song hành với nhau.
Xét về bản tính, tư duy là một quá trình sáng tạo giúp con người hình thành nên tri thức biết nhận biết vấn đề và cách giải quyết những vấn đề đó. Nói chung, tư duy của não bộ vận hành với những kỹ năng học được có thể giúp trí thông minh được nuôi dưỡng và phát triển mà ở đó con người dùng suy nghĩ để xem xét những sự vật, hiện tượng.
3.1.2. Vai trò của tư duy
Hầu hết mọi người có khả năng phát triển tư duy trong tất cả những kỹ năng khác biệt trên, nhưng ta thay đổi rất chậm. Percy Barnevik, cựu chủ tịch của ABB đã nói: “Các tổ chức chỉ sử dụng được 5% – 10% khả năng của nhân viên khi làm việc. Khi không làm việc nữa, cũng nhân viên đó sẽ sử dụng 90% – 95% khả năng còn lại của mình.”. Ngược lại, Jack Welch, cựu CEO của GE, nói rằng thúc đẩy các ý tưởng của nhân viên là một trong ba nhiệm vụ chính của mình (hai nhiệm vụ kia là chọn đúng người và tìm nguồn vốn). Một trong những cách tiếp cận điển hình của Welch là hỏi các quản lí thấp hơn của mình, không chỉ về các ý tưởng của họ, mà ông còn hỏi rằng họ đã chia sẻ ý tưởng với ai, và ai đã chấp nhận ý tưởng đó.
Khi nhà máy của Thomas Watson, sáng lập viên của IBM, bị thiêu rụi, ông đã bình tĩnh một cách bất ngờ. Khi được hỏi, ông đáp rằng vận mệnh của công ty ông không dựa trên các văn phòng, dây chuyên hay nhà cửa, mà dựa trên vốn tư duy của nhân viên. Ông nói rằng: “Tôi có thể xây lại văn phòng, nhà xưởng. Nhưng tôi sẽ không bao giờ có thể thay thế những hiểu biết, khả năng và kỹ năng tư duy của nhân viên mình.”.
3.2 KỸ NĂNG TƯ DUY
3.2.1. Kỹ năng tư duy là gì?
Kỹ năng tư duy là một trong những kỹ năng có giá trị nhất mà ngày nay bạn có thể học. Lí do rất đơn giản, trong khi ở quá khứ, người ta làm việc dựa vào kỹ năng cơ bắp, thì ngày nay ta làm việc dựa trên kỹ năng tư duy. Ta đang sống trong thời đại thông tin, chứ không còn ở thời đại công nghiệp nữa. Đó là lí do khiến trí não thay thế cơ bắp, và sức mạnh tư duy có thể thay thế sức mạnh tay chân. Không cần biết bạn đang kinh doanh thứ gì, hay là bạn thích loại công việc như thế nào, thì giờ đây bạn luôn cần phải ứng dụng các kỹ năng tư duy vào công việc bạn làm. Bạn phải sử dụng nó trong việc ra quyết định; thu thập, sử dụng và phân tích thông tin; cùng hợp tác với người khác để giải quyết vấn đề; ra quyết định thay cho người khác; đóng góp ý tưởng đổi mới sáng tạo; hay nghĩ cách cải tiến công việc của bản thân mình.
Tiềm năng của bộ não
Những số liệu về bộ não của chúng ta thật sự kì diệu. Ví dụ, bạn có biết rằng bộ não sử dụng hết 20% năng lượng mà cơ thể sử dụng khi nghỉ ngơi? Số năng lượng này tương đương một cái bóng đèn 20 watt sáng liên tục. Bạn nghĩ não bạn lớn cỡ nào? Tưởng tượng nhé, não bạn gồm 100 tỉ tế bào, mỗi tế bào liên kết với 1000 tế bào khác, tạo nên tổng cộng 100.000 tỉ liên kết. Có nhiều điểm liên kết trong não người hơn cả số vì sao trong thiên hà nữa. Như Norman Cousins đã nói: “Ngay cả vũ trụ với hàng tỉ tỉ thiên hà cũng không tuyệt diệu và phức tạp được như bộ não con người.”
Sức mạnh của bộ não
Ta sẽ nghe thêm một số số liệu đáng kinh ngạc về não bộ. Dù bộ não chỉ nặng khoảng 1.3kg, nhưng nó chứa đến 12 tỉ tế bào thần kinh (nhiều gấp đôi số người trên trái đất này). Nó chứa 1.000 triệu triệu triệu triệu phân tử (đếm không nổi nữa), và có thể xử lí 20 tỉ bit thông tin mỗi giây. Não bạn có 10 tỉ nơ ron và số liên kết giữa các nơ ron là 10.000.000.000.000.000.000.000.000.000. Thử cầm bút viết lại con số này, bạn sẽ biết cảm giác của tôi nó thế nào. Não của bạn có đủ năng lượng nguyên tử để xây bất kì thành phố nào trên thế giới này vài lần. Chẳng con người nào từng tồn tại trên cõi đời này dùng hết tiềm năng bộ não của mình.
Bí mật dần lộ diện
Một trong những lí do khiến ta không thể dùng hết tiềm năng bộ não, và cũng vì thế, khiến kỹ năng tư duy của ta bị giới hạn, chính là vì ta bị neo lại bởi những quy kết sai lầm về bộ não và khả năng tư duy của chúng ta. Hầu hết mọi người đều tin rằng, ngược lại với các số liệu trên, ta sinh ra đã thông minh hoặc đần độn rồi. Ta nghĩ rằng ta chỉ thông minh bằng số điểm IQ, và số này không bao giờ thay đổi cả cuộc đời ta. Ta nghĩ rằng, khi ta đối mặt với những vấn đề lớn, thì ta sẽ không thể giải. Ta không dám ra quyết định, và luôn than phiền về khả năng lựa chọn của mình. Ta nghĩ rằng ta bị kẹt bởi những lối mòn tư duy, và không còn cách tháo gỡ. Và hơn hết, ta nghĩ rằng, càng già, não càng kém, và khả năng ghi nhớ cũng ra đi. Chỉ có một điều là đúng trong mớ suy nghĩ trên, đó là chính những suy nghĩ của chúng ta khiến năng lực tư duy bị giới hạn.
Hoạt động của não
Chỉ cần nhìn vào những việc đơn giản mà ta phải dùng não là đủ để cho ta thấy não tuyệt vời như thế nào. Đầu tiên, ta là loài duy nhất có thể tư duy 3 chiều về quá khứ, hiện tại và tương lai. Ta có thể dùng não giải thích thế giới theo bất cứ cách nào ta chọn, dù là tích cực hay tiêu cực. Ta có thể dùng não để tìm lời giải cho các câu đố logic, cũng như dùng trí tưởng tượng để xử lí các vấn đề phi logic. Ta có thể tưởng tượng, sáng tạo và đổi mới. Ta có thể học hỏi, thay đổi và phát triển. Ta có thể dùng não diễn dịch, thấu hiểu và trở nên khôn ngoan hơn. Ta có thể dùng não phân tích và tổng hợp. Và, một lần nữa, khác với muôn loài, ta có thể dùng não để tư duy về những suy nghĩ của chính chúng ta. Bộ não thực sự là công cụ phức tạp và linh hoạt nhất trên cơ thể con người.
Bộ não hay cơ bắp
Dù bộ não là công cụ tuyệt vời nhất quả đất, nhưng rõ ràng rằng, cho đến tận gần đây, tư duy vẫn bị những quốc gia công nghiệp xếp vào loại kỹ năng hạng nhì. Hàng thế kỉ, con người được thuê để dùng sức lao động cơ bắp, sau đó là đến kỹ năng vận hành máy, và rất hiếm khi là vì khả năng tư duy. Ngày nay, mọi thứ đã thay đổi. Ta không còn sống trong thời đại công nghiệp, mà là thời đại thông tin. Thay vì sức mạnh cơ bắp, những công ty và nền kinh tế thành công trong hiện tại và tương lai cần có tư duy. Họ sẽ là những người khai thác, sử dụng và tưởng thưởng khả năng tư duy của mọi người trong tổ chức mình.
3.2.2. Tầm quan trọng của kỹ năng tư duy
Có thể nói, khả năng tư duy là một trong những kỹ năng có giá trị nhất, có tính ứng dụng cao nhất mà bạn cần chú ý để học. Bởi ngày nay với sự phát triển của công nghệ và tri thức cao, người ta làm việc dựa trên kỹ năng tư duy, không còn là thời đại công nghiệp, dựa trên sức khỏe cơ bắp nữa. Bạn cần phải biết cách vận dụng những tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm của bản thân vào công việc của mình làm để mang lại kết quả tốt hơn chứ không cần biết bạn kinh doanh hay làm công việc gì. Bạn phải vận dụng vào để thu thập, phân tích và sử dụng thông tin, ra quyết định cũng như hợp tác với người khác để giải quyết vấn đề, đóng góp ý tưởng, cách cải tiến của bản thân. Theo các nghiên cứu, hơn một nửa những kỹ năng của nhân viên cần có cho bất kì công việc nào đều có liên quan tới khả năng tư duy.
Tiềm năng của bộ não con người là rất lớn. Norman Cousins đã từng nói ngay cả vũ trụ với hàng tỉ ngôi sao cũng không phức tạp và tuyệt diệu như bộ não của con người. Điều này cho thấy não bộ của mỗi người là rất kì diệu trong khi chưa sử dụng hết 20% năng lượng, tiềm năng của bản thân. Đây là bộ phận phức tạp và bí ẩn nhất trong cơ thể chúng ta. Do đó, bạn hãy để cho não bộ làm việc, luôn rèn luyện kỹ năng tư duy cho bản thân để làm việc gì cũng đạt kết quả tốt, đạt được thành công.
Nếu không tư duy mà chỉ làm theo, sao chép như một cái máy từ người khác, bạn sẽ khó có thể phát triển cũng như xã hội không bao giờ thực sự phát triển. Những người không có thói quen đặt câu hỏi, không có khả năng khám phá, lựa chọn sẽ khó có thể tiến lên trong cuộc sống. Khả năng suy nghĩ, tư duy tốt sẽ giúp cho những người trẻ phát triển bản thân, đạt được những thành tích, thành công trong hiện tại và tương lai.
3.2.3. Quan niệm về khả năng tư duy ngày nay
Kỹ năng tư duy không phải là trí thông minh nên không thể nhập chung là một. Bởi một trẻ có thể thông minh nhưng kỹ năng tư duy chưa hẳn tốt. Tư duy cần có kỹ năng, giúp một người có những suy nghĩ thông minh hơn những người khác. Những người có tài năng xuất chúng trên thế giới như Newton, Eisntein, Darwin là những người luôn biết đặt ra những câu hỏi chứ không chỉ có bộ não hơn người. Đó chính là cốt lõi của tư duy bậc cao (high_order thinking). Với lòng đam mê, óc tò mò và sự ham học hỏi, sự kiên nhẫn, họ đã có những thành tựu xuất chúng trong khoa học.
Hình 3.2 Tư duy giúp tạo ra nhiều ý tưởng sáng tạo
Do đó, nếu chỉ có chỉ số IQ cao, bằng đại học danh giá, kết quả học tập tốt vẫn chưa đủ mà còn cần tư duy sáng tạo mới giúp bạn đạt được thành công trong xã hội ngày nay, tiến sĩ Robert Sternberg, một chuyên gia về trí tuệ con người cho biết. Trong khi đó, kỹ năng tư duy gần như không được dạy trong chương trình học ở trường.
Ngày nay, xã hội luôn thay đổi với nhiều sự kiện diễn ra nên các em học sinh học tập đòi hỏi phải rèn luyện kỹ năng tư duy bậc cao giúp các em thích nghi với cuộc sống tốt chứ không chỉ đơn thuần là ghi nhớ, học thuộc kiến thức trong sách vở. Các em cần biết phân tích, gạn lọc và giải quyết vấn đề, ra quyết định và lên kế hoạch cho mình. Học tập theo kiểu học vẹt được xem là tư duy bậc thấp.
3.2.4. Một số tư duy được chú ý hiện nay
Kỹ năng tư duy có nhiều loại hình khác nhau từ tư duy trừu tượng, tư duy logic, tư duy theo kinh nghiệm, tư duy sáng tạo, tư duy lý luận, tư duy triết học, tư duy khoa học… Phân loại các loại hình tư duy giúp cho chúng ta có điều kiện hiểu sâu, vận dụng tốt hơn tư duy vào thực tiễn cuộc sống. Sau đây, chúng ta cùng tìm hiểu một số loại hình tư duy được chú ý hiện nay.
Tư duy sáng tạo (Creative thinking)
Có thể nói rằng, tư duy sáng tạo là cốt lõi cho sự phát triển của xã hội ngày nay. Do đó, ngày nay, dạy học luôn cần chú ý tới rèn luyện kỹ năng này cho học sinh để các em có sự nhạy bén, sáng tạo trong cuộc sống để thành công hơn.
Tư duy sáng tạo là khả năng nhìn nhận vấn đề, biết đưa ra các giải pháp, ý tưởng cho vấn đề cần giải quyết tốt nhất. Người có khả năng sáng tạo có thể tạo ra những ý tưởng hữu ích, độc đáo. Đặc biệt trong xã hội cạnh tranh cao như hiện nay, người có tư duy sáng tạo sẽ vượt lên một bậc so với những người khác cũng như giúp họ quản lý bản thân, các mối quan hệ tốt hơn những người khác. Thêm nữa họ học tập và thực hiện xã hội tốt hơn.
Nói một cách dễ hiểu, tư duy sáng tạo là khả năng tư duy, sáng tạo, tìm tòi ra những phương án, chủ đề mới của một hay nhiều người về một lĩnh vực nghiên cứu nào đó. Và trong thời đại hiện nay, bất kỳ ngành nghề nào như chính trị, xã hội, kinh tế, nghệ thuật, kỹ thuật… đều cần đến tư duy sáng tạo.
Hình 3.3 Tư duy sáng tạo giúp tìm ra điều mới
Người có khả năng sáng tạo là người biết đặt ra các câu hỏi xác đáng, có thái độ luôn cởi mở với những ý tưởng mới, sẵn sàng thử nghiệm mọi thứ bằng mọi cách nếu có thể. Họ có khả năng đẩy ranh giới ra khỏi sự bình thường mà mọi người quen nghĩ để tìm ra cái mới, điều mới chưa từng có trước đó. Nếu không có kỹ năng tư duy sáng tạo bạn sẽ khó đạt được bước tiến mới, có những đột phá hay thành công trong nghề nghiệp của mình. Có thể nói với tư duy sáng tạo, bạn sẽ thuận lợi hơn để khẳng định bản thân và vị thế của mình trong xã hội, vượt lên trước so với các ứng viên cạnh tranh khác.
Tư duy phản biện (Critical thinking)
Tư duy phản biện hay còn gọi là tư duy phê phán, ở đây khác với kiểu bàn lùi hay phá đám. Tư duy phản biện gồm khả năng tự phản biện và phản biện ngoại cảnh.
- Trong đó, tự phản biện là tự mình phản biện những hành động, ý nghĩ của bản thân. Đây là điều không dễ thực hiện đối với mỗi người vì chúng ta thường có xu hướng nhận những vấn đề, thông tin bên ngoài nhiều chiều, không dễ dãi, hời hợt.
– Do đó, người có tư duy phản biện thường có khả năng quan sát tốt, nhìn và hiểu vấn đề với sự tò mò tìm kiếm câu trả lời. Họ có tư duy logic với sự nghi ngờ để tìm hiểu bản chất của vấn đề một cách khách quan sau đó có thể đưa ra nhận xét, quyết định phù hợp.
– Như vậy, đặc trưng của tư duy phản biện là có số lượng không nhiều vì đi ngược lại với những ý kiến của số đông. Nhưng nó có giá trị lớn đối với sự thành bại của một việc nào đó. Những ý kiến phản biện có thể giúp giảm thiểu những rủi ro không đáng có, giúp sự việc được cải tiến, sáng tạo tốt. Mặc dù không phải là sáng tạo nhưng tư duy phản biện với những ý kiến độc đáo có thể coi là sự sáng tạo, như là chất xúc tác cho sự sáng tạo nảy nở và phát triển.
Hình 3.4 Tư duy phản biện giúp thu nạp kiến thức
Tóm lại, tư duy phản biện không phải là tích lũy thông tin, có trí nhớ tốt, biết nhiều thứ mà cần có kỹ năng suy luận ra những hệ quả từ những sự vật, thông tin đã biết và vận dụng tri thức vào giải quyết vấn đề. Tư duy phản biện không phải là thích tranh cãi, chỉ trích người khác mà là giúp chúng ta thu nạp kiến thức, hiểu vấn đề và lập luận, giải quyết vấn đề tốt.
Tư duy logic (Logical thinking)
– Tư duy logic là khả năng tư duy cơ bản và rất quan trọng của con người trong việc học tập, làm việc có trình độ chuyên môn. Tư duy là một kỹ năng mà con người có thể học tập và rèn luyện được. Người có khả năng tư duy logic tốt sẽ có khả năng tự học, nắm bắt công việc mới nhanh cũng như khả năng giải quyết vấn đề tốt từ đó thành công sẽ tới với họ trong học tập và cuộc sống.
– Có thể nói, con người học tư duy logic hàng ngày, như là khả năng thiên bẩm giúp con người tiến hóa, phát triển, giúp con người có những hành động cải tạo và thay đổi lại thế giới với những dự định, kế hoạch đã được lên từ trước khi bắt đầu làm một việc gì.
– Để rèn luyện tư duy logic, trí thông minh của bản thân sắc bén hơn, bạn cần rèn luyện trí nhớ, cố gắng học và làm theo cách hiểu của riêng mình cũng như tìm kiếm cho mình những niềm đam mê, có tinh thần ham học hỏi kiến thức và đặc biệt cần áp dụng những kiến thức đã học vào thực hành, không ngại trải nghiệm cũng như cần có sự chăm chỉ, đức tính kiên nhẫn.
Tư duy quản lý (Managerial thinking)
Vậy thì ta cần những loại kỹ năng tư duy nào trong thời đại thông tin? Mike Pedler và Tom Boydell đã nghiên cứu những phẩm chất cần thiết của một người lao động thành công. Họ tìm ra rằng, ít nhất một nửa số kỹ năng có liên quan đến cách sử dụng bộ não. Danh sách của họ bao gồm:
- Quản lí những số liệu cơ bản.
- Sự thấu hiểu nghề nghiệp phù hợp.
- Khả năng cảm nhận liên tục về các sự kiện.
- Kỹ năng phân tích, giải quyết vấn đề, ra quyết định và phán đoán.
- Kỹ năng xã hội.
- Kỹ năng hồi phục cảm xúc.
- Sự chủ động: khả năng phản hồi có mục đích với các sự kiện.
- Sự sáng tạo.
- Khả năng tư duy nhanh nhạy.
- Những thói quen học hỏi cân bằng.
- Sự hiểu biết bản thân.
Tư duy tích cực (Positive thinking)
Tư duy tích cực là cách mà bạn nhìn nhận sự việc theo chiều hướng tích cực, nhưng điều này hoàn toàn không phải là lối tư duy thiếu thực tế, nhìn mọi thứ xung quanh đầy một màu hồng. Tư duy tích cực cho phép chúng ta thể hiện những mong muốn của mình thông qua “thái độ sống tích cực” để tạo ra sức mạnh cho thành công.
Để rèn luyện cách tư duy tích cực không phải là chuyện ngày một ngày hai. Bởi việc kiểm soát và chế ngự những cảm xúc tiêu cực hoàn toàn không đơn giản. Những suy nghĩ tiêu cực thường lặp đi lặp lại nhiều lần, chúng được não bộ in sâu vào bộ nhớ hơn là những điều tích cực. Chính vì thế mà con người thường ám ảnh với những khoảnh khắc đau buồn, tồi tệ hơn là những hạnh phúc, niềm vui mà họ có được. Vì vậy, để rèn luyện “thái độ sống tích cực” bạn nên bắt đầu từ những thứ sau đây:
Tìm sự hài hước trong những tình huống xấu.
Cho phép bản thân trải nghiệm sự hài hước trong những tình huống xấu nhất. Nhắc nhở bản thân rằng biết đâu tình thế sẽ chuyển biến tốt hơn, biết đâu bạn có thể chuyển biến nguy nan thành lợi thế. Đây là cách xoay chuyển niềm tin của bạn từ những cảm xúc tiêu cực sang tích cực để thay đổi thế giới quan.
Chẳng hạn, nếu một sáng nọ thức dậy và nhìn ra ngoài cửa sổ, bạn thấy cơn mưa trút xuống không ngớt cùng với bầu trời u ám. Có thể một chút suy nghĩ tiêu cực đầu tiên sẽ xuất hiện trong đầu bạn như là “có lẽ hôm nay sẽ là một ngày tồi tệ với mình”. Thực sự, có phải là ngày khủng khiếp hay không vẫn còn đang ở thì tương lai. Còn thực tại đơn giản đó chỉ là một cơn mưa, không hơn không kém. Nếu bạn tin rằng mình sẽ có một ngày tồi tệ thì có thể lắm điều này sẽ diễn ra.
Nhưng thay vì thế hãy thử suy nghĩ khác đi, ví dụ như là “đây chắc chắn là dịp hay để mình kiểm tra chất lượng của đôi ủng đi mưa mình đã mua từ mấy tháng trước mà nay mới được sử dụng” hoặc “trời mưa thế này nếu ngồi ăn bỏng ngô và xem phim thì còn gì tuyệt vời hơn”.
Gần như lúc nào cũng vậy, bạn sẽ gặp chướng ngại vật suốt cả ngày, không có gì gọi là một ngày hoàn hảo. Khi bạn gặp phải một thử thách như vậy, hãy tập trung vào những điều tốt, tuy là chúng nhỏ bé. Nếu bạn bị kẹt xe, hãy nghĩ về việc bây giờ bạn có thời gian để nghe nốt còn lại của bài hát tiếng Anh bạn yêu thích. Nếu tủ lạnh hết đồ ăn, hãy nghĩ về cảm giác hứng khởi khi sắm đầy giỏ hàng trong siêu thị với toàn thực phẩm bạn yêu thích.
Tự nói với bản thân những lời tích cực thay vì tiêu cực
Kỹ năng tư duy tích cực ngày càng tiến bộ hơn nếu bạn biết tự nhủ với lòng những suy nghĩ tích cực. Thay vì nói rằng ” mình nấu ăn thật dở” hãy tự khích lệ bản thân là “chắc chắn mình sẽ nấu ngon hơn vào lần sau”. Mỗi sớm thức giấc, hãy tự tạo động lực cho bản thân bằng những câu nói tràn đầy độc lực, đừng bao giờ tự làm nhụt chí của bản thân.
Tập trung vào hiện tại, hãy học hỏi từ những sai lầm
Ngay bây giờ, có thể bạn đang bị sếp quở trách rằng bạn không hoàn thành công việc đúng ý sếp, sau này và mãi mãi bạn chỉ là một kẻ thất bại, bạn sẽ không bao giờ khá hơn được. Vậy hãy quên những gì anh ta đã nói với bạn, bởi nếu bạn cứ in sâu trong lòng những khoảnh khắc chẳng mấy tốt đẹp ấy bạn sẽ luôn tưởng tượng và nghĩ rằng mình là nhân viên kém cỏi như lời sếp nói. Thực tế, có không ít người khi nghe những lời phán xét tiêu cực của ai đó làm họ thui chột ý chí, không dám thay đổi, ngại cố gắng và kết quả họ thất bại thật. Vấn đề cốt lõi ở đây chính là cái được gọi là niềm tin vào những kết quả tiêu cực sẽ trở thành hiện thực, nên bạn chẳng làm gì để thay đổi chúng. Hãy nghĩ đơn giản, đó chỉ là lời trách mắng, bỏ qua và tiếp tục công việc hiện tại của bạn.
Bạn không hoàn hảo. Bạn sẽ phạm sai lầm và trải nghiệm thất bại trong nhiều bối cảnh, tại nhiều công việc và với nhiều người. Thay vì tập trung vào cách bạn thất bại, hãy nghĩ về những gì bạn sẽ làm trong lần tới, hãy biến thất bại của bạn thành một bài học .Hãy nhìn lại hành động của bạn và xem những gì bạn có thể làm (nếu có) để cải thiện tình hình của mình. Hãy nhớ rằng: kết quả bạn nhận được là biển chỉ dẫn cho kết quả bạn muốn đạt được.
Hãy chơi với những người luôn lạc quan và suy nghĩ tích cực
Bạn có thấy trẻ con thường hay bắt chước theo lời nói của cha mẹ. Nếu cha mẹ hay quát nạt, cục cằn thì trẻ em cũng sẽ có thói quen cư xử thô lỗ như thế. Đây là một thực tế có căn cứ khoa học, não bộ con người sẽ tự động bắt chước hành vi của những người xung quanh khác. Điều đó cũng giống với hàm ý của câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”.
Thế nên, hãy ra ngoài, gặp gỡ và giao lưu với những người sống tích cực. Khi bạn bao quanh mình với những con người ấy, bạn sẽ nghe thấy những viễn cảnh tích cực, những câu chuyện tích cực và những lời khẳng định tích cực. Những điều đó sẽ ảnh hưởng đến dòng suy nghĩ của chính bạn, từ đó ảnh hưởng đến lời nói của bạn và hành động của bạn .
Thấu hiểu quan điểm từ cái nhìn của người khác
Đôi khi có ai đó không đồng tình với bạn hoặc là họ không nghĩ giống bạn. Có thể bạn đúng cũng có thể bạn sai hoặc cả hai. Tất cả chúng ta đều nhìn nhận mọi thứ xung quanh theo cái nhìn từ góc độ của bản thân. Vì vậy, nếu có ai đó thấy bức tranh bạn mới vẽ không đẹp như bạn tưởng có thể bạn sẽ cảm thấy chút gì đó không hài lòng. Nhưng hãy thử đặt bản thân vào vị trí của họ, xét xem tại sao họ lại không thấy bức hình đẹp.
Nói lời cảm ơn luôn là thái độ hành xử văn minh và tích cực giúp bạn và người xung quanh cảm thấy được tôn trọng và tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp, thay vì miệt thị hoặc chê bai người khác.
Hầu như bất cứ ai trong bất cứ tình huống nào đều có thể áp dụng những bài học này để rèn luyện lối tư duy tích cực hơn. Khi bạn suy nghĩ và hành động tích cực bạn sẽ sớm nhận ra mình đang đi đúng con đường và gặt hái được nhiều lợi ích to lớn.
3.2.5. Cách rèn luyện kỹ năng tư duy
Khả năng nghĩ sâu rộng về một vấn đề chính là kỹ năng tư duy bậc cao. Điều này không tự nhiên mà có mà cần phải học, rèn luyện. Trẻ em nào cũng có thể học, rèn luyện khả năng tư duy bậc cao. Từ đó, các em có thể có những suy nghĩ logic, sáng tạo, biết giải quyết vấn đề, ra quyết định cũng như có những ý tưởng mới, khả năng xử lý, phân tích thông tin và lên kế hoạch cho tương lai của mình. Như vậy, khả năng tư duy bậc cao là hoạt động tư duy gắn liền với thực tiễn, với thực hành.
Hình 3.5 Khả năng tư duy cần có sự rèn luyện
Một số cách giúp rèn luyện khả năng tư duy bậc cao như sau
- Xử lý thông tin
– Biết cách tìm những thông tin có liên quan, biết sắp xếp
– Xâu chuỗi
– Phân loại thông tin cũng như học cách so sánh thông tin, so thông tin tương phản và nhận diện, phân tích mối liên hệ.
- Đánh giá vấn đề
– Biết cách áp dụng các tiêu chí, xây dựng tiêu chí đánh giá cùng khả năng đánh giá giá trị của ý tưởng và thông tin.
- Lập luận
– Rèn luyện cách lý giải các hành động
– Ý kiến, suy diễn, suy luận cùng khả năng phán đoán, ra quyết định, biết lập luận bằng những ngôn ngữ chính xác, thuyết phục.
d.Tư duy sáng tạo
– Rèn luyện khả năng đưa ra ý tưởng mới, lập giả định, tưởng tượng và xây dựng ý tưởng, tìm kiếm giải pháp sáng tạo và đổi mới.
- Đặt câu hỏi
– Rèn luyện khả năng đặt những câu hỏi định hướng, nghiên cứu cùng khả năng lên kế hoạch tìm hiểu, rút ra kết luận, tiên liệu hiệu quả.
– Cách dạy kỹ năng tư duy cho trẻ từ sớm cũng được áp dụng, chú ý trong lĩnh vực giáo dục. Nhưng chủ yếu là những câu hỏi ở dạng có – không với cách trả lời hoặc đúng hoặc sai. Do đó, những câu hỏi dạng câu cá không biết câu trả lời hoặc câu được cá gì sẽ có tác dụng khơi gợi trí tò mò, tưởng tượng ở trẻ tốt hơn.
Tóm lại tư duy là gì đã được trả lời với nhiều thông tin liên quan trong các phần của bài viết. Hy vọng bạn đã có những kiến thức mà mình cần sau khi đọc những nội dung chia sẻ trên đây.
Phần thực hành
« Năm câu đố giúp bạn rèn tư duy logic:
Những câu đố có thể gặp trong bài thi IQ yêu cầu bạn tìm ra quy luật để xác định đáp án.
Câu 1: Điền số thích hợp vào dấu hỏi chấm?
Câu 2: Điền hình thích hợp vào dấu hỏi chấm?
Câu 3: Điền hình thích hợp vào dấu hỏi chấm?
hãy sử dụng kỹ năng tư duy của mình để tìm ra đáp án đúng
Câu 4: Điền hình thích hợp vào dấu hỏi chấm?
Câu 5: Điền hình thích hợp vào vị trí dấu hỏi chấm?
Bài sau: Tư duy phải biện và tư duy sáng tạo
Xem toàn bộ các chương tại đây
…………………………………
KỸ NĂNG MỀM – CHÌA KHÓA ĐỂ THÀNH CÔNG (Sách – Giáo trình)
Công ty VINABOOK hân hạnh tài trợ chương trình này. Giá bìa: 160.000 VNĐ – Hotline: 0938090115