Giữ Gìn Tiếng Việt Nơi Xứ Người: Di Sản Văn Hóa Cho Thế Hệ Sau
Học tiếng Việt không chỉ giúp những người con xa quê duy trì kết nối với đất nước mà còn mở ra cánh cửa để khám phá văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam. Tiếng Việt mang trong mình “linh hồn dân tộc” từ các phong tục tập quán đến nếp nghĩ, lối tư duy đậm đà bản sắc Việt Nam.
Bảo tồn và duy trì tiếng Việt
Duy trì và gìn giữ tiếng Việt cho thế hệ mai sau luôn là mối bận tâm của nhiều người Việt trên toàn thế giới. Đặc biệt là những người Việt Nam đã sống xa quê hương hàng chục năm và đã phần nào hội nhập văn hóa bản địa vào cuộc sống tại nước sở tại. Bởi vậy, việc học tiếng Việt không những góp phần nâng cao nhận thức và cảm nhận sâu sắc hơn về bản sắc dân tộc, mà còn giúp thế hệ trẻ hiểu và trân trọng nguồn cội của mình trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
TS. Hoàng Văn Khẩn – Trường Âu Lạc Việt– Chủ tịch Hội Nhịp Cầu Thái Bình tại Geneva (Thụy Sĩ) . Ông Khẩn từng giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Đại học Y khoa Genève. Tích cực tham gia nhiều năm liền Hội Đoàn kết người Việt Nam tại Thụy Sĩ và đã thực hiện nhiều dự án y tế, xã hội và giáo dục với mục tiêu hướng về quê hương trong việc bảo tồn tiếng Việt tại Thụy Sĩ và Pháp. Ảnh: Hoàng Bảo (2019) Hội thảo “100 năm chữ Quốc ngữ ở Việt Nam”tại Đà Nẵng.
Giải pháp nào cho việc học tiếng Việt hiệu quả tại Hải ngoại?
Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Khẩn, Trường Âu Lạc Việt Chủ tịch Hội Nhịp Cầu Thái Bình “Le Pont du Pacifique” tại Thụy Sĩ có nhiều năm kinh nghiệm đưa tiếng Việt vào trường học về những thuận lợi và khó khăn. Ông Khẩn chia sẻ phương pháp Tomatis, với phương pháp này, học viên không chỉ học nói, đàm thoại, hát, đọc và viết mà còn được tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và địa lý của Việt Nam. Chúng tôi cố gắng chuẩn hóa nội dung giảng dạy, sử dụng các câu từ ngắn gọn, dễ hiểu và sửa chữa cách nghe cũng như phát âm cho đúng tần số của các dấu và chữ cái, phù hợp với cấu trúc của tiếng Việt. Học viên được hướng dẫn phát âm tách từng chữ, hít thở đúng cách để lên giọng, gọi là “sửa tai” – việc phát âm đúng. Sau khi thành thạo các kỹ năng này, việc học tiếng Việt sẽ trở nên tương tự như việc học các ngôn ngữ khác.
“Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất trong việc dạy tiếng Việt là đào tạo giáo viên có kinh nghiệm và tìm môi trường thực hành cho học viên. Hiện nay, các sinh hoạt cộng đồng của người Việt còn phân tán, khiến cho người học tiếng Việt ít có cơ hội để thực hành.” – Ông Khẩn nhấn mạnh.
Phương pháp khoa học Tomatis trong việc dạy tiếng Việt là một trong những giải pháp hiệu quả cho người lớn, giúp họ nhanh chóng đạt được kết quả và xây dựng cầu nối hiểu biết với nhau. Phương pháp này được phát triển bởi ông Alfred Angelo Tomatis (1920 – 2001), một bác sĩ chuyên khoa tai-mũi-họng, người đã nghiên cứu sâu về mối liên hệ giữa hành động “nghe” và “ngôn ngữ.”
Ông Hoàng Văn Khẩn, người trực tiếp mở các lớp và soạn thảo chương trình dạy tiếng Việt tại Thụy Sĩ, nói: “Chúng tôi mong muốn những gì mình làm để hướng về quê hương thật sự hiệu quả. Chúng tôi tiếp tục mời gọi sự tham gia của người Việt Nam, bạn bè Thụy Sĩ và toàn thế giới tham gia vào các dự án dài hạn và có giá trị lớn. Ông khẳng định rằng và tự hào về ngôn ngữ và việc dạy những cốt lõi văn hóa của tiếng Việt sẽ giúp các thế hệ trẻ tiếp tục gìn giữ và trao truyền ngọn lửa văn hóa cho những đời sau.”
Lớp học tiếng Việt tại Trường Âu Lạc Việt ở Thụy Sĩ cô giáo Võ Bạch Yến trực tiếp giảng dạy. Các lớp học nhằm mục đích duy trì và bảo tồn tiếng Việt cho cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ (27/04/2016). Ảnh: HVK.
Kể từ năm 2005, các lớp dạy tiếng Việt đã được mở ra với sự hỗ trợ của Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác. Sau một thời gian ổn định, Hội Nhịp Cầu Thái Bình và Trường Âu Lạc Việt đã ra đời, trở thành cầu nối giữa Thụy Sĩ và Việt Nam thông qua việc dạy tiếng Việt và quảng bá văn hóa.
Các lớp dạy tiếng Việt cho trẻ em thường có số lượng học sinh đông hơn, gọi là lớp vỡ lòng. Mỗi lớp có thể có khoảng 10 em ở độ tuổi 5 hoặc 6, thậm chí có những bé 4 tuổi đã được đưa đến học. Ở lớp vỡ lòng, giáo viên chủ yếu tập hát để trẻ ghi nhớ âm thanh một cách tự nhiên. Các khóa học thường kéo dài khoảng 3 tháng.
Ngoài ra, còn có các lớp cho người lớn với mỗi lớp khoảng 4 đến 5 học viên, chia theo các trình độ khác nhau. Từ việc học nói, đọc, viết cho đến những yêu cầu cao hơn, tất cả đều được dạy xen kẽ các kỹ năng để học viên có thể nắm vững cách phát âm, từ vựng và ngữ pháp. Mỗi bài học được biên soạn theo cấp độ và chỉnh sửa thường niên để phù hợp với đối tượng học viên, với mục tiêu đưa vào những nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam.
Tiến sĩ Hoàng Văn Khẩn cho biết thêm: “Ngôn ngữ phát triển đầu tiên từ âm thanh. Một đứa trẻ Việt Nam ngay từ khi sinh ra đã học được âm điệu qua lời ru của mẹ.” Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc lựa chọn phương pháp giảng dạy và tài liệu giảng dạy phù hợp với đặc thù của ngôn ngữ Việt.”
Ngoài ra tiếng Việt, với mẫu tự La-tinh, có lợi thế so với một số ngôn ngữ châu Á khác như tiếng Trung Quốc hay tiếng Hàn Quốc, nhưng hệ thống thanh âm cũng khá khó khăn. Giáo viên cần sử dụng từ ngữ thông dụng để học viên có thể giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày, trong khi các từ ngữ chuyên môn chỉ nên được dạy cho những người có nhu cầu.
TS. Hoàng Văn Khẩn (Trường Đại học Y khoa Geneva, Thụy Sĩ) đã có thành tích xuất sắc trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam, đóng góp tích cực vào các hoạt động văn hóa cộng đồng và hoạt động hướng về đất nước (09/01/2008). Bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội trao bằng khen Bộ Ngoại Giao Việt Nam. Ảnh: HVK
Nỗ lực của giới nghiên cứu tại Việt Nam
“Tiếng Việt không chỉ là ngôn ngữ giao tiếp mà còn là kho tàng văn hóa, di sản của dân tộc. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, việc bảo tồn và phát triển tiếng Việt càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các thế hệ trẻ ngày nay dễ bị ảnh hưởng bởi những ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài, nhưng chúng ta cần giữ gìn và phát huy tiếng Việt để duy trì bản sắc văn hóa. Ngoài ra, việc dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng là một phần trong nỗ lực này, nhằm giữ vững sự gắn kết với quê hương. Đại học Huế cũng luôn chú trọng nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt với mục tiêu đóng góp vào việc bảo tồn ngôn ngữ.” – Bà Nguyễn Thị Thu Hà, giảng viên Khoa Ngữ văn, Đại học Khoa học, Đại học Huế, chia sẻ.
Hội thảo quốc tế “100 năm chữ Quốc ngữ ở Việt Nam” đã diễn ra trong hai ngày 28 và 29 tháng 12 năm 2009 tại thành phố Đà Nẵng (Việt Nam). Đây là sự kiện quốc tế đầu tiên được tổ chức nhằm tôn vinh chữ Quốc ngữ. Theo Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, hội thảo lần này có mục đích ghi nhận và tri ân những người đã góp phần sáng tạo, phát triển và hoàn thiện chữ Quốc ngữ. Sự kiện cũng là dịp để nhìn lại quá trình tiếp nhận, truyền bá và sử dụng chữ Quốc ngữ trong suốt thế kỷ qua, đồng thời thảo luận các vấn đề học thuật liên quan.
Khát vọng tiếng Việt trong tương lai với bạn bè quốc tế
Thụy Sĩ là một điển hình, việc giữ gìn và trao truyền tiếng Việt tại Thụy Sĩ không chỉ là nhiệm vụ của các giáo viên mà còn là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Thụy Sĩ, với nền văn hóa đa ngôn ngữ, tạo điều kiện cho tiếng Việt phát triển, giúp người Việt có cơ hội kết nối với cội nguồn văn hóa của mình.
Tại Diễn đàn One Global Vietnam – La Francophonie 2024 (OGVF 2024) tại Paris (Pháp) TS Hoàng Văn Khẩn đã có buổi trình bày chi tiết về các tính năng nổi bật và công dụng của phần mềm Kiwi Medias (05/10/2024). Đây là phần mềm hỗ trợ học tiếng Việt đa ngôn ngữ, được phát triển nhằm giúp người dùng trên toàn cầu tiếp cận ngôn ngữ một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. TS. Khẩn đã nhấn mạnh tính ứng dụng cao và công nghệ hiện đại mà phần mềm mang lại, được các chuyên gia và cơ quan giáo dục quốc tế đánh giá cao. Ảnh:HVK
Xuất phát từ những nhu cầu thiết thực trong việc học ngôn ngữ và phương pháp Tomatis – bác sĩ Alfred Angelo Tomatis (1920 – 2001). Đầu năm 2023, Công ty TNHH MTV Vianbook tại Việt Nam phát triển phần mềm học tiếng Việt đa ngôn ngữ mang tên Kiwi Medias do Ts. Hoàng Văn Khẩn đồng sáng lập. Ban đầu, phần mềm hỗ trợ 18 ngôn ngữ khác nhau, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập phong phú của người dùng. Sau 2 năm nghiên cứu và thực hiện, Kiwi Medias không chỉ đơn thuần là một công cụ học tập mà còn là một sản phẩm đột phá trong việc giảng dạy và tiếp cận ngôn ngữ. “Được xây dựng dựa trên nền tảng khoa học vững chắc, phần mềm này đã nhận được sự đánh giá cao từ nhiều nhà khoa học uy tín trên toàn thế giới. Kiwi Medias sẽ trở thành một công cụ hỗ trợ học tập hiệu quả, giúp người dùng không chỉ học tiếng Việt mà còn khám phá văn hóa và phong tục tập quán của đất nước Việt Nam.” – Ông Hoàng Đức Bảo giám đốc Công ty Vinabook, điều hành dự án cho hay.
Ra mắt Phần mềm học tiếng Việt đa ngôn ngữ Kiwi Medias tại Việt Nam do Ông Hoàng Đức Bảo điều hành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vinabook – Trung tâm Đào tạo Kỹ năng mềm Quốc tế IKIGAI giới thiệu (năm 2023). Phần mềm này hỗ trợ người học tiếng Việt qua nhiều ngôn ngữ khác nhau, mang lại trải nghiệm học tập hiệu quả và toàn diện.
Mất đi tiếng mẹ đẻ đồng nghĩa với sự đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc. Vì thế, việc xây dựng một môi trường văn hóa để các thế hệ trẻ có thể tham gia và gắn kết với các hoạt động văn hóa trong cộng đồng trở nên vô cùng cần thiết. Điều này không chỉ giúp bảo tồn ngôn ngữ mà còn giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, đảm bảo rằng các giá trị truyền thống được truyền lại và tiếp nối qua các thế hệ mai sau.
Hoàng Bảo