“Học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc.” Ngạn ngữ Gruzia

Bài trước: Kỹ năng làm việc nhóm

Link mua sách Kỹ năng mềm tại đây:

KỸ NĂNG HỌC TẬP VÀ NGHIÊN CỨU

kỹ năng mềm

9.1. KỸ NĂNG HỌC VÀ TỰ HỌC

Kỹ năng học và tự học là quá trình tự trau dồi kiến thức không chỉ từ sách vở mà còn từ các trải nghiệm trong cuộc sống. Trí tò mò và óc ưa thích khám phá khiến bạn có thể học hỏi bất cứ điều gì từ công việc dù bạn tham gia ngành nghề nào như: kế toán, kinh doanh, marketing, lập trình… để hoàn thiện bản thân.

Chu trình học và tự học bao gồm: Tự nhận thức – Áp dụng – Cân nhắc – Biến đổi dựa trên 3 phương thức:

Hành vi: Sự học hỏi đâm chồi khi bạn được động viên, khuyến khích.

Nhận thức: Kiến thức và các bài học tự động “len lỏi” vào tiềm thức nhờ khả năng ghi nhớ tuyệt vời.

Nhân văn: Những kinh nghiệm cá nhân sẽ mang đến cho bạn nhiều bài học để trưởng thành, từ đó đúc kết những giá trị bản thân.

kỹ năng mềm

9.2 PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP CÁ NHÂN

9.2.1 Phương pháp khoa học trong học tập

Nếu học tập mà không có khoa học thì năng suất học tập thấp, kiến thức tiếp thu không vững chắc và khó ứng dụng kiến thức trong thực tế. Muốn nâng cao chất lượng và hiệu quả trong học tập, phải học có phương pháp trong tất cả các khâu: từ nghe giảng, ghi chép, làm bài và chú tâm tự học

Nghe giảng: Nếu chú tâm nghe giảng, hiệu suất tiếp thu đạt tới 50 %.

Trong đời sống hàng ngày, quá trình thông tin chiếm tới hai phần ba thời gian hoạt động của con người, trong đó viết chỉ chiếm 9 %, đọc 16 %, nói 30 % và nghe 45 %. Hiện nay, nhiều bạn nghe giảng một cách không khoa học còn phổ biến. Người nghe, hoặc cặm cụi ghi chép mà không hiểu người giảng nói gì, hoặc suy nghĩ mung lung về bài giảng, hoặc nghĩ đến việc khác. Kết quả là sau đó, đầu óc người nghe không có ý niệm rõ ràng hoặc có một mớ hỗn độn các ý niệm, hoặc không có ý niệm gì trong đầu. Đây quả là sự lãng phí lớn về thời gian và sức lực của cả người giảng lẫn người nghe.

Ghi chép: Không ai có thể tự tin vào trí nhớ của mình mà không cần ghi chép.

Khi một ý niệm được tay ta trực tiếp ghi trên giấy là hình ảnh của ý niệm này được đậm nét thêm ở trong óc. Có ghi chép bài, học bài càng chóng thuộc. Cũng có bạn thích ghi chép nhưng ghi chép không đúng cách. Họ ghi lia lịa đặc cả trang giấy, thậm chí tới mức sau này chính bản thân cũng không đọc nổi những điều đã ghi. Cách ghi như vậy chỉ làm nhọc cơ thể và trí não một cách vô ích.

Làm bài, thực tập: Học phải đi đôi với hành, lý thuyết phải gắn liền với thực tập.

Không bao giờ học một cách hời hợt. Học không chỉ là lưu trữ kiến thức rồi để đó, mà chỉ có thực hành, làm bài nhiều thì mới có thể nhớ kỹ, nhớ lâu. Ở bậc học cao hơn, thực tập là hình thức học tập không thể thiếu ở các trường, nhất là ở trường đại học. Thực tập có thể tiến hành ở phòng thí nghiệm, trên thực địa, hay ở các cơ sở nghiên cứu, sản xuất… với mục đích rèn luyện các thao tác kỹ thuật nhằm củng cố, kiểm tra kiến thức lý thuyết đã học và để tập dượt ứng dụng kiến thức khoa học trong thực tế.

Tự học: “Khả năng quý giá giúp con người thành công trong mọi việc”.

Ta không thể chỉ bằng lòng với cách học thuộc các công thức, quy luật, nguyên lý nêu trong tài liệu, mà phải tự tìm hiểu sâu thêm về những điều đã học. Phải tập luyện kết hợp ba khả năng: nghe, xem và ghi. Trí nhớ âm thanh sẽ được kết hợp với trí nhớ hình ảnh, ấn tượng của kiến thức dễ ăn sâu vào trong vỏ não. Thoạt đầu, thì hai loại trí nhớ này hoạt động tách rời, chú ý nghe thì quên ghi hay trái lại. Nhưng chỉ sau một thời gian chú tâm tập luyện, ai cũng có thể kết hợp các khả năng này.

Tính cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác và khả năng tập trung chú ý phải được rèn luyện mới có chứ không do bẩm sinh tự nhiên mà được. Ngoài ra, rèn luyện sự chú tâm học cả những môn không thích, ta sẽ đồng thời rèn luyện được nghị lực, chủ động tập trung khi cần thiết. Đây là khả năng quý giá giúp con người thành công không chỉ trong học tập mà còn trong tất cả mọi việc.

9.2.2 Kỹ năng nghe giảng

Học hiệu quả là thu nhận được nhiều kiến thức nhất, mau chóng nắm được các vấn đề một cách trực tiếp nhất, chính xác nhất, tiết kiệm thời gian nhất. Phương pháp học có hiệu quả nhất chính là “Nghe giảng bài”. Nhưng như thế nào là biết nghe và cần chuẩn bị những gì khi nghe giảng để có thể nắm được các tri thức hiệu quả nhất?

Bạn có thể nhận biết như thế nào là người chịu khó nghe giảng. Không chỉ là hình thức có mặt đầy đủ trong các buổi học mà nên nhìn vào thực chất vấn đề, đó là:

Hiệu quả của sự ý thức chăm chú lắng nghe

  • Giúp bạn rút ngắn thời gian ôn tập sau này.
  • Làm bài tập nhanh chóng và dễ dàng hơn.
  • Không ngỡ ngàng khi đọc lại các đề cương học tập.
  • Nắm được trọng tâm, trọng điểm bài học.
  • Tự tin và hứng thú khi đi học.

Những điều lưu ý khi nghe giảng bài

  • Không được bỏ qua hoặc xem nhẹ thời gian đầu của tiết học.
  • Tập trung theo dõi bài giảng, nói chung chưa nên nghĩ đến việc sẽ làm gì vì điều đó sẽ phá vỡ logic của quá trình nghe giảng.
  • Tập trung nghe, hiểu vấn đề rồi ghi chép theo ý hiểu của mình. Chú ý ghi dàn bài để nhìn được khái quát cấu trúc chung của bài giảng, chú ý tới trọng tâm, mấu chốt của vấn đề.
  • Tập trung vào những nội dung chính, những điểm quan trọng nhất mà giảng viên thường nhấn mạnh qua ngữ điệu, qua việc nhắc lại nhiều lần.
  • Chú ý đến các bảng tóm tắt, các sơ đồ và các tài liệu trực quan khác mà giảng viên đã giới thiệu, vì đây là lúc người thầy hệ thống hóa, so sánh, phân tích… để nắm được trình tự tiến dần đi đến kết luận và rút ra cái mới.
  • Khi gặp chỗ khó, không hiểu hãy tạm thời gác lại và sẽ cố gắng tìm hiểu những điều đó sau để quá trình nghe giảng không bị gián đoạn.
  • Khi bài giảng dừng lại, có thể nêu câu hỏi để đào sâu kiến thức, liên hệ thực tiễn và làm rõ những chỗ chưa hiểu.
  • Nên dành vài phút để đọc lướt qua một lượt tài liệu sẽ học trước khi nghe giảng. Biết được những vấn đề khó để nhắc mình chăm chú hơn khi nghe giảng. (Lưu ý! Xem trước không thể thay thế việc nghe giảng bài).

Nghe giảng bài là phương pháp học có hiệu quả nhất, giúp chúng ta thu nhận kiến thức mới sâu rộng hơn để hoàn thiện trình độ học vấn. Không những thế, biết lắng nghe không chỉ giúp tiến bộ nhanh chóng trong học tập mà đồng thời còn rèn luyện cho chúng ta biết tu dưỡng bản thân, nó cũng là một thái độ đúng đắn, lịch sự cần có trong giao tiếp xã hội để được mọi người yêu quý. Vì vậy, phương pháp nghe để trở thành người có năng lực biết lắng nghe là phương pháp học có hiệu quả nhất và cũng là cần thiết trước nhất.

Kỹ năng tập trung

Một trong những nguyên nhân khiến hầu hết mọi người gặp khó khăn trong học tập và làm việc là do thiếu tập trung. Đầu óc bạn cứ nghĩ hết cái này sang cái kia: Bị lo lắng, bị cám dỗ…; vì lơ đểnh, thiếu tập trung nên chuyện học hành và làm việc của bạn trở nên khó khăn, nhàm chán. Sự hứng thú và sự tập trung luôn đi cùng với nhau. Rõ ràng, hứng thú đã giúp bạn dễ dàng tập trung thì đồng thời, sự tập trung tốt cũng sẽ giúp bạn có thêm hứng thú, nó sẽ nâng cao năng suất học tập và làm việc cho bạn.

Có thể nói đơn giản, khả năng tập trung là: Năng lực tập trung sự chú ý vào chính công việc đang làm. Đó có thể là đọc sách, nghe nhạc, chuyện trò hay giải quyết các vấn đề chuyên môn trong học tập và làm viêc. Có một thực tế không thể phủ nhận là hiện nay phần lớn chúng ta không thể tập trung, khả năng tập trung vào những việc bình thường nhất cũng là rất khó. Quan trọng là bạn có nhận ra là mình đang bị mất tập trung và xác định quyết tâm rèn luyện để thay đổi hiện trạng đó hay không. Sau đây là một số gợi ý để bạn tham khảo:

  1. “Quay lại ngay bây giờ”.

Phương pháp này đơn giản nhưng khá hữu hiệu. Thay vì cố gắng xua đuổi ý nghĩ về một cái gì đó, không chống đối nó, bạn hãy chỉ đơn giản “quay lại”: nghĩ ngay về việc bạn đang làm, ý thức được việc bạn đang làm, nhận biết việc bạn đang làm, đang nghe, đang thấy.

Chẳng hạn như: Bạn đang học và bạn chợt nhớ tới một buổi hò hẹn, hãy nói với chính mình: “Quay lại ngay bây giờ”, nhẹ nhàng kéo sự chú ý của mình về với vấn đề bạn đang cần tập trung, quay trở lại với công việc bạn đang làm và tập trung vào công việc đó. Khi bạn lại thấy mất tập trung, hãy nhắc lại: ”Quay lại ngay bây giờ”, nghĩ ngay về việc bạn đang làm, ý thức được việc bạn đang làm, nhận biết việc bạn đang làm, đang nghe, đang thấy…

Tận dụng một cách đúng đắn năng lượng của bạn đúng thời điểm

Bạn cảm thấy sung sức nhất khi nào? Bạn cảm thấy chùng xuống nhất là lúc nào? Ngày hay đêm? Hãy học những môn học hoặc làm những việc mà theo bạn là khó vào những lúc bạn thấy khỏe khoắn nhất. Còn vào những lúc bạn chùng xuống? Hãy học những môn học hoặc làm những việc thấy hứng thú, dễ dàng hơn. Bạn không nên làm những công việc quan trọng đòi hỏi tập trung đầu óc cao độ ngay sau khi vừa kết thúc các bài tập cường độ cao chẳng hạn. Chỉ riêng việc thực hiện “đúng giờ đúng việc” như thế cũng đã giúp bạn tập trung hơn.

 Những mẹo nhỏ khác

  • Hãy chọn một chỗ thích hợp nhất, tránh điện thoại, nên có và thực hiện nghiêm túc một thời khóa biểu hiệu quả. Khi bạn chuẩn bị, hãy dành chút thời gian nghĩ xem bạn cần chuẩn bị những gì, đề ra một hướng giải quyết chung để có thể hoàn thành công việc, phân loại công việc và xác định các phương pháp hoàn thành các công việc phải làm, chia nhỏ bài học hoặc công việc thành từng phần nếu có thể.
  • Để cho đỡ nhàm chán, bạn nên thay đổi môn học sau một đến hai giờ, nên có những lúc nghỉ giải lao thích hợp. Bạn nên đi lại ngoài hành lang hoặc đứng ngắm cảnh bên cửa sổ, lấy nước cho đầy bình nếu trên bàn làm việc của bạn luôn có một bình nước.
  • Bạn hãy ngủ đủ thời gian mình thấy cần phải ngủ. Khi bạn thấy mình đã ngủ đầy giấc, thấy tỉnh táo, bạn sẽ dễ dàng tập trung để hoàn thành công việc phải làm hơn. Bạn hãy cố gắng sống phù hợp với nhịp sống quen thuộc của cơ thể bạn.
  • Nếu bạn hay bị phân tán đầu óc do có cái gì đó làm bạn buồn phiền chẳng hạn, thì hãy dành riêng thời gian cho các ý nghĩ buồn phiền đó. Bạn hãy thỏa thuận với chính mình là hàng ngày, có khoảng thời gian đặc biệt chỉ để suy nghĩ, xử lý lo lắng, buồn phiền. Không để nó ám ảnh một cách đeo đẳng, nếu có, hãy dùng phương cách: “Quay lại bây giờ” ở trên (1).

Sự rèn luyện một cách có ý thức năng lực tập trung trong cuộc sống hàng ngày sẽ cho phép bạn tận dụng hiệu quả hơn thời gian và chuẩn bị tinh thần để bước vào những trải nghiệm mới. Năng lực tập trung ngày nay có ý nghĩa lớn lao hơn bao giờ hết, phân tán tư tưởng cản trở việc học tập, làm giảm khả năng phát triển bản thân. Vì thế, hãy thực hành, luôn luôn thực hành, thường xuyên nhắc nhở bản thân tập trung. Sự hiểu biết về tập trung, sự hiểu biết này không đủ giúp nâng cao kỹ năng tập trung của bạn, duy chỉ có chủ ý thực hành là đi đúng hướng

9.3 PHƯƠNG PHÁP HỌC NHÓM

Học nhóm, nghĩa là chúng ta không phải ngồi trên lớp với các thầy cô bộ môn thay phiên nhau dạy, cũng không phải ngồi ở nhà một thầy cô bộ môn nào đó để học mà chỉ có ta với những người bạn.

Học nhóm là một hình thức học hợp tác nâng cao chất lượng của mỗi thành viên nhờ học hỏi từ bạn bè thông qua quá trính trao đổi và chia sẻ kiến thức cùng nhau, do đó có được những kết quả học tập tiến bộ về nhiều mặt. Những ưu điểm của phương pháp học nhóm:

  • Góp phần xây dựng tinh thần đồng đội và các mối quan hệ tương hỗ, đồng thời thúc đẩy sự tích cực học tập của cá nhân, tạo sự gắn kết trong một “cộng đồng” bởi trong khi làm việc nhóm, những mâu thuẫn sẽ nảy sinh từ đó yêu cầu phải giải quyết và để giải được cần sự cố gắng của mỗi cá nhân cùng với trí tuệ của cả tập thể.
  • Tăng khả năng hòa nhập, có thêm tinh thần học hỏi và biết lắng nghe người khác thông qua phần trình bày của bản thân và sự phản hồi của mọi người xung
  • Tập hợp được những ý kiến sáng tạo của từng cá nhân, mỗi người bổ sung một ý, từ đó sản phẩm của học tập sẽ giàu tính sáng tạo và mang tính tập thể.
  • Rèn luyện khả năng thuyết trình trước tập thể, kĩ năng giao tiếp và tính tự giác của mỗi cá nhân, khả năng làm cho người khác hiểu điều mình hiểu _ đây là điểm yếu của đa số sinh viên chúng ta hiện

Những kĩ năng được rèn luyện trong khi làm việc nhóm là rất quan trọng cho môi trường làm việc mới sau này, đây sẽ là tiền đề để ta biết cách làm việc trong một môi trường tập thể.

Thành lập nhóm

Với những nhóm là nhóm học tập, nhóm được thành lập như sau:

  • Số lượng thành viên của mỗi nhóm trong khoảng 5 đến 8 thành viên, với số lượng này nhóm sẽ hoạt động đạt hiệu quả hơn.
  • Nhóm hình thành trên sự cộng tác kết hợp của các sinh viên cùng có chí hướng thực hiện một vấn đề nào đó cùng với nhau; tuy nhiên để dễ dàng cho việc hoạt động và trao đổi, tốt nhất là nên thành lập nhóm từ những thành viên có cùng điều kiện về hoạt động (thời gian, vị trí, công việc…).
  • Các thành viên được kết nạp vào nhóm không có bất đồng riêng tư từ trước, nếu có hãy giải quyết bất đồng hoặc tham gia vào một nhóm khác nếu có thể.

Sau khi đã tập hợp đủ số thành viên, nhóm tiến hành bầu nhóm trưởng

Bầu nhóm trưởng trên cở sở tự thỏa thuận với nhau. Tiêu chí để bầu nhóm trưởng là:

  • Nhóm trưởng là người có khả năng giao tiếp tốt, tạo được mối quan hệ thân thiện với các thành viên trong nhóm.
  • Có khả năng đánh giá, tổng hợp một vấn đề.
  • Có khả năng nhân sự: Phân chia nhiệm vụ, giao nhiệm vụ cho các thành viên, đánh giá vấn đề…, ngoài khả năng chuyên môn, khả năng này cũng rất quan trọng, nó đảm bảo công việc được thực hiện với hiệu quả cao nhất.
  • Thống nhất mục tiêu chiến lược cho nhóm
  • Chủ trì các cuộc họp
  • Đảm bảo tiến độ thực hiện các công việc, nhiệm vụ đã đề ra
  • Kiểm tra, phân tích, khắc phục sai sót
  • Là đại diện chính thức của nhóm
  • Phân nhiệm vụ thực hiện cho từng thành viên

9.4. KỸ NĂNG TỰ HỌC HIỆU QUẢ

9.4.1  Đặt mục tiêu học tập

Tại sao chúng ta phải xác định mục tiêu?

  • Đó là vì mục tiêu chính là động lực thúc đẩy chúng ta đến thành công. Mục tiêu có ba tác dụng chính sau:
  • Dẫn đường cho quyết định và hành động của chúng ta
  • Mục tiêu thúc đẩy chúng ta
  • Mục tiêu giúp giải phóng tiềm năng của chúng ta

Khi không có mục tiêu, chúng ta không biết tập trung vào việc gì và có khuynh hướng làm những việc mà chúng ta quan tâm vào thời điểm đó.

Chúng ta di chuyển khắp mọi hướng để rồi quay về lại đúng chỗ cũ thay vì tiến lên theo một hướng nhất định.

Nói khác hơn chúng ta hành động theo đám đông, bạn bè.
Vậy ta xác định mục tiêu như thế nào?

Cần xác định những mục tiêu to lớn, hấp dẫn. Đó là những mục tiêu vượt xa ngoài khả năng hiện tại của chúng ta và điều quan trọng nhất là ý nghĩ đạt được những mục tiêu ấy thật sự làm chúng ta cảm thấy hết sức hạnh phúc, phấn khởi. Chính cảm giác vui sướng đặc biệt này thúc đẩy ta thức đêm thức hôm học hành chăm chỉ. Tạo ra quyết tâm, động lực để hành động kiên trì.

Sáu bước xác định mục tiêu hiệu quả

– Viết ra những gì chúng ta muốn một cách cụ thể

– Liệt kê tất cả các lợi ích và những lý do cho việc đạt mục tiêu

– Lên kế hoạch hành động

– Xác định thời hạn

– Tiếp thêm cảm xúc cho mục tiêu

– Lấy đà bằng việc hành động ngay tức khắc

Hình 9.1 Ghi ra những mục tiêu cần đạt

9.4.2 Tổ chức nơi học tập và chuẩn bị xây dựng môi trường học tập thích hợp

Thông thường tổ chức nơi học tập cần một số đồ vật và dụng cụ học tập.

Đồ gỗ: Bàn, ghế (quan trọng nhất), tủ (có thể có để đựng dụng cụ)

Dụng cụ học tập: Sách giáo khoa, sách tham khảo, giấy, bút, bút chì (dụng cụ thiết yếu), tẩy, bút làm dấu, compa, máy tính, thước vẽ, giá vẽ… Tuỳ theo từng học viên, từng buổi học, từng môn học mà cần có những dụng cụ khác nhau.

Hình 9.2 Tổ chức nơi học tập

9.4.3 Lên kế hoạch học tập, làm việc

Kế hoạch trong học tập là điều quan trọng nhất, nhưng cũng thường bị chúng ta bỏ sót nhất trong quá trình học tập của mình. Lên kế hoạch không những sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian mà còn giúp bạn hệ thống lại những kiến thức đã học một cách khoa học.

Mỗi người có thể có một kế hoạch và mục tiêu khác nhau, nhưng lập kế hoạch để chúng ta biết được khối lượng kiến thức ta đang có và sẽ phải có. Ta sẽ luôn ý thức được những vấn đề quan trọng, những vấn đề ta còn yếu để chú ý rèn luyện nhiều hơn.

Tại sao cần tổ chức thời gian làm việc? Khi một người quyết định học có nghĩa là họ đưa thêm một số công việc vào đời sống thường ngày của họ. Họ cần tổ chức hoạt động cho hợp lý để dành một số thời gian cho việc học tập. Những người không tổ chức tốt thời gian làm việc thì sẽ cảm thấy thiếu thời gian cho việc học tập cũng như nghỉ ngơi. Họ sẽ rơi vào “vòng xoáy thất bại”. Tổ chức thời gian làm việc chính là lên lịch làm việc (thời gian biểu_ time schedule) hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng hay cả học kỳ, cả năm. Lịch làm việc nên viết ra (giấy, sổ tay, điện thoại hay máy tính) để không bị quên lãng. Một trong những công cụ hữu ích là “bản liệt kê công việc (check list)

Xác định yêu cầu các công việc Trước khi lên lịch làm việc, bạn phải xác định được yêu cầu của từng công việc, có thể chia các công việc theo 4 nhóm:

Nhóm 1. Công việc bắt buộc và thời gian cố định

Nhóm 2. Công việc bắt buộc nhưng thời gian không cố định

Nhóm 3. Công việc thích làm nhưng cố định thời gian

Nhóm 4. Công việc thích làm vào bất cứ lúc nào

9.5  KỸ NĂNG TÌM KIẾM THÔNG TIN TỪ TÀI LIỆU

9.5.1 Tìm kiếm tài liệu

9.5.1.1. Xác định mục tiêu nghiên cứu tài liệu

Trong chương này chúng ta tìm hiểu các phương pháp để nghiên cứu các thông tin và thảo luận các biện pháp đọc tài liệu một cách hiệu quả. Muốn nghiên cứu tài liệu, trước hết phải xác định rõ mục tiêu nghiên cứu là gì.

Bốn câu hỏi được đặt ra khi nghiên cứu tài liệu là:

  • Ai là người sẽ dùng thông tin mà mình tìm ra?
  • Họ đã biết được những gì?
  • Họ cần biết vấn đề gì?
  • Câu hỏi mà bạn cần giải đáp là gì? Các câu hỏi này rất quan trọng để xác định liều lượng và mức độ thông tin mà người sử dụng cần thiết.

    9.5.1.2. Tìm kiếm nguồn thông tin

Nguồn thông tin có thể lấy từ sách báo, tạp chí (trên thư viện, nhà sách) hay lấy trên mạng internet.

Đến thư viện cần biết cách tìm trên hệ thống danh mục. Hiện tại nhiều danh mục của thư viện cũng đã được đưa lên mạng.

Tìm thông tin trên mạng internet

Tìm kiếm thông tin trên mạng có nhiều địa chỉ: Google.com, Yahoo.com, Altavista.com,… mỗi người có thể sử dụng địa chỉ nào mình thích.

9.5.2. Đánh giá tài liệu

kỹ năng học  tập và nghiên cứu

Người đọc muốn nhận định tốt nguồn tài liệu cần có các đức tính như trung thực với bản thân, tránh sự chi phối, biết vượt qua vướng mắc, đặt câu hỏi, xây dựng phán đoán trên bằng chứng cụ thể, tìm mối quan hệ nối kết các sự việc và có tư duy độc lập.

Hãy tự hỏi những điều này khi đọc:

– Đề tài của bài đọc, hoặc quyển sách bạn đang đọc là gì?

– Vấn đề nào đang được nêu ra?

– Tác giả đã kết luận gì về vấn đề ấy?

– Những lý do nào được đưa ra để chứng minh cho quan điểm của tác giả?

– Người viết dùng sự thật, lý thuyết hay niềm tin của bản thân?

Có một số điều cần nhận thức rõ:

– Sự thật có thể được chứng minh.

– Lý thuyết còn đang cần được chứng minh, không nên nhầm lẫn với sự thật.

– Ý kiến có thể có hoặc không được xây dựng trên cơ sở lập luận vững chắc.

– Bản thân niềm tin không cần được chứng minh.

Tác giả dùng từ trung lập hay có xen lẫn cảm xúc cá nhân? Người đọc biết cân nhắc là người có cái nhìn xuyên thấu bề mặt ngôn từ, để thẩm định lý lẽ bên trong. Khi bạn quyết định chấp nhận hay không chấp nhận ý kiến của người viết, cần củng cố quyết định của mình bằng những lý do xác đáng.

Những câu hỏi thường nên đặt ra khi đọc là:

  • Tài liệu có nói đến vấn đề bạn cần tìm không?
  • Tài liệu có thông tin thích hợp với độc giả của bạn không?
  • Tài liệu có đáng tin cậy không: Ai là tác giả? Trình độ hiểu biết của tác giả ra sao? Tác giả có thành kiến không? Làm sao bạn biết được điều đó?
  • Tài liệu có dễ tìm không?
  • Tài liệu có dễ đọc không? Cách viết có giúp bạn hiểu được ý tác giả không?

9.5.3. Cách đọc tài liệu

Đọc lướt qua: Kinh nghiệm nên đọc các câu chính trong từng đoạn văn (có thể ở đầu hay cuối đoạn văn). Có thể tập đọc lướt nhanh bằng cách đưa mắt từ trên xuống dưới mà không liếc mắt ngang theo hàng. Như vậy bạn chỉ xem lướt một số từ khóa để nắm được ý chính của đoạn văn thôi.

Đọc hiểu khái quát: Đọc chậm hơn bước trên, tập trung vào nắm ý chính không đi sâu vào các chi tiết từ vựng. Tốc độ 450 từ/phút.

Đọc hiểu sâu: Đọc chậm hiểu từng chủ đề một cách chi tiết. Cần sử dụng cả tự điển để hiểu sâu thêm. Dùng bút đánh dấu để chỉ ra các ý chính và ý phụ của tài liệu. Cần chủ động tìm ra quan hệ giữa ý phụ, quan hệ giữa các đoạn văn với nhau.

Tìm các thông tin xa hơn: Thông qua các chú thích, tài liệu tham khảo, tài liệu liên quan để tìm thêm thông tin cần thiết

  1. Tìm ra sự thật trong tài liệu: Cũng như ý kiến của tác giả muốn nói gì

9.5.4. Viết danh sách tài liệu tham khảo

  • Tài liệu tham khảo: Là những tài liệu mà tác giả có tham khảo và ghi trong báo cáo.
  • Tài liệu có liên quan: Là những tài liệu tác giả có đọc nhưng không đưa trực tiếp vào báo cáo.

9.5.4.1.  Cách ghi chú tài liệu tham khảo tiếng Việt

Ghi tài liệu theo thứ tự ABC tên tác giả: Họ tên tác giả, năm xuất bản, tên tài liệu, nhà xuất bản, nơi xuất bản, trang tham khảo. Ví dụ:

  1. Trần Hữu Chi, 1998. Kỹ thuật xử lý nước thải, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, trang 115.
  2. Bùi Văn Ngân, 2003. Khảo sát Hệ sinh thái Rừng ngập mặn. Kỷ yếu Hội nghị KH trường Đại học Nông Lâm, Tp Hồ Chí Minh, trang 11-25.

9.5.4.2. Cách ghi chú tài liệu tham khảo tiếng Anh

Có nhiều cách ghi chú các tài liệu tham khảo. Một trong những cách được công nhận trong nhiều tạp chí là format APA (American Psychological Association). Một số ý chính như sau:

  • Ghi danh mục tài liệu tham khảo theo trình tự:
  • Đối với sách:

Planalp,S. (1999). Communication emotion: Social, moral and cultural processes. Cambridge: Cambrid University Press, p25.

  • Đối với một chương trong sách:

Pollay, R. W. (1989). Campaigns, change and culture: On the polluting potential of persuasion. In C. T. Salmon (Ed.). Information campaigns: balancing social values and social change (pp. 185-198). Newbury Park, CA: Sage Publications Inc., pp 50-52

  • Đối với bài trên tạp chí:

Austoker, J. (1991). Organisation of a national screening programme: British Medical Bulletin, 47(2), 416-426.

  • Đối với bài trên trang web:

Winson, R. M. (2000). Screening for breast and cervical cancer as a commun cause for litigation. British Medical Journal, 320, 1352-1353. Retrieved August 8, 2000 from http/www.bmj.com/cge/content/full/320/7246/1352

  • Đối với một báo cáo:

Worrld Health Organization. (1986). The Ottawa Charter: Health research strategy for “Health for All for the year 2000”: Report of a subcommittee of the Advisory committee on Health research. Geneva: World Health Organization.

  • Một số chú ý:
  • Ghi danh mục tài liệu tham khảo với trình tự ABC theo họ của tác giả (tiếng Anh) hay tên tác giả (tiếng Việt); mỗi tài liệu ghi cách nhau và từ hàng thứ 2 thụt vào một khoảng.
  • Chú ý các dấu chấm và phẩy.
  • Những tài liệu đã được dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt thì được gọi là tài liệu tiếng Việt dù đó là tác giả người nước ngoài.
  • Hai tài liệu cùng tên tác giả thì tài liệu nào xuất bản trước thì sẽ sắp xếp trước.
  • Tài liệu lấy từ Internet phải ghi theo thứ tự ngày truy cập.
  • Các văn kiện, hiệp định, nghị định… không có tên tác giả thì lấy chữ đầu tiên của văn bản đó để xếp theo ABC.
  • Bài lấy trong tạp chí thì phải có số trang, in nghiêng tên tạp chí, không in nghiêng tên bài viết.

9.5.4.3. Cách ghi chú nguồn thông tin trong báo cáo

Sau mỗi thông tin bạn tham khảo vào báo cáo, bạn phải ghi họ tác giả (tiếng Anh hay các thứ tiếng khác) và năm xuất bản trong ngoặc đơn, ví dụ (Pollay, 1989); Còn nếu tên tiếng Việt thì ghi cả họ và tên, ví dụ (Trịnh Trường Giang, 2007). Hoặc đơn giản chỉ ghi số thứ tự của tài liệu trong mục lục tài liệu tham khảo và để trong móc [ ]. Nếu không ghi nguồn gốc thông tin thì hoá ra bạn ăn cắp nội dung của người khác hay sao? Các thông tin mà bạn cần phải ghi nguồn gốc xuất xứ bao gồm: số liệu, hình ảnh, bảng biểu, nhận định, câu, đọan văn, ngay kể cả ý tưởng của người khác…

Nếu bạn sử dụng trích dẫn nguyên văn thì phải in nghiêng, đóng ngoặc kép, nếu tham khảo để tổng lược thì cuối đoạn đó phải ghi nguồn theo cách ghi chú phía trên.

9.5.5. Ghi chép lại thông tin (note)

kỹ năng ghi chú là không thể thiếu

Bạn cần phải ghi lại các thông tin đọc được từ tài liệu. Ghi chép nhằm ôn lại thông tin, hoặc chuẩn bị cho một bản báo cáo, hay để học bài, hay đơn giản chỉ là để lưu giữ lại thông tin để có thể sử dụng sau này.

Lựa chọn thông tin cần ghi chép

Khi đọc lướt: Không nên ghi chép gì cả, bước này chỉ cần biết tổng quát của tài liệu.

Khi đọc kỹ: Xác định ý chính và ý phụ trong tài liệu

Ghi lại những ý chính và phụ đó theo ý bạn, tránh sao chép nguyên văn tài liệu

Tóm lược lại những gì ghi chép được để chủ động nắm bắt thông tin

Kỹ thuật ghi chép

Có ba kỹ thuật ghi chép thông tin là:

  • Viết bằng từ ngữ

Xác định ý chính và ý phụ trong tài liệu

Sử dụng hệ thống đánh số thứ tự các ý trên.

Nên dùng các chữ, ký hiệu viết tắt.

  • Lập bảng biểu

Có thể dùng bảng, biểu đồ cột, biểu đồ đường,  đồ thị, hình ảnh

Dùng bảng biểu sẽ rõ ràng hơn dùng từ.

  • Kết hợp cả từ ngữ và bảng biểu

Sử dụng cả hai cách trên thì sẽ rõ ràng và chính xác hơn.

9.5.6. Viết tóm tắt tài liệu

Để nắm bắt một cách chắc chắn các thông tin trong một báo cáo khoa học thì việc quan trọng nhất là phải tóm tắt lại báo cáo đó theo sự hiểu biết của bản thân. Mỗi học viên cần làm các bài tóm tắt báo cáo khoa học theo cách hiểu và văn phong của mình.

Yêu cầu của một bản tóm tắt

  • Bao gồm tất cả các ý chính trong báo cáo;
  • Bao gồm các ý phụ trong báo cáo;
  • Không bao gồm các thông tin khác không có trong báo cáo;
  • Ý nghĩa rõ ràng;
  • Tóm tắt lại tối đa số tiếng hạn chế;
  • Không có lỗi văn phạm;
  • Nguồn tài liệu được thể hiện theo format chuẩn.

Bảy bước hướng dẫn viết bản tóm tắt

  • Dựa vào từng ý chính đã ghi chép, viết ra một câu chính;
  • Dựa vào các ý phụ viết mỗi ý một câu hay tổng hợp các ý phụ vào một câu;
  • Kiểm tra lại xem có thiếu hay thừa các ý có trong tài liệu gốc;
  • Tập hợp các câu vào từng đoạn văn;
  • Cần sử dụng từ ngữ của riêng mình;
  • Kiểm tra ngữ pháp, chính tả,…;
  • Viết nguồn tài liệu theo format APA (hay của Bộ GDĐT) vào cuối bài tóm tắt.

9.6 KỸ NĂNG NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu giải quyết vấn đề được triển khai để giải quyết các khó khăn trong thực tế đời sống. Điều này có nghĩa là người nghiên cứu phải gánh vác vai trò của một nhà khoa học đồng thời là người giải quyết khó khăn trong cuộc sống. Thông qua quá trình chuẩn đoán, sự hiểu biết khoa học cũng sẽ trở thành quá trình nhận diện vấn đề, can thiệp và đánh giá. Trong nghiên cứu giải quyết vấn đề, nghiên cứu viên ít nhất cũng có liên hệ với việc chẩn đoán vấn đề. Trong trường hợp này, vai trò của nhà nghiên cứu và người làm thực tiễn là trùng lắp lên nhau.

so-do-giai-quyet-van-de - kỹ năng nghiên cứu

Sơ đồ 9.1. Sơ đồ nghiên cứu giải quyết vấn đề

 

9.6.1. Thu thập số liệu

Khoa học thực nghiệm thu thập số liệu thông qua các quan sát, có thể từ các quan sát của chính bạn hay kết quả từ các nghiên cứu khác, các số liệu thống kê hay của các báo cáo khác.

so-do-nghien-cuu-chung - kỹ năng nghiên cứu

Sơ đồ 9.2. Chu trình nghiên cứu chung

9.6.2. Sắp xếp số liệu, giải thích và tiên đoán

  1. Sắp xếp số liệu

Đối với một nhà nghiên cứu, thu thập số liệu không phải là mục đích chính mà chính là tìm ra sự sắp xếp của các số liệu đó: Như phân loại sinh học (Tảo được sắp trong giới thực vật), quy luật thực nghiệm (Tảo bùng nổ vào mùa hè) hoặc sắp xếp hệ thống các số liệu (Sự bùng nổ của tảo chỉ xảy ra trong Hồ Gươm  nhưng không xảy ra ở Hồ Tây).

  1. Giải thích

      Những điều tìm thấy là phát biểu có hệ thống những quy luật chung cơ sở của sự sắp xếp trên (Tảo là thực vật vì có chất diệp lục; vận tốc quang hợp tùy thuộc vào cường độ ánh sáng; nồng độ phốt pho là yếu tố giới hạn khả năng sinh sản của tảo).

  1. Dự đoán

      Quá trình từ các quan sát suy ra quy luật gọi là quy nạp. Để đưa ra các tiên đoán bạn dùng phép diễn giải (từ quy luật chung đưa ra các tiên đoán cụ thể). Ví dụ: Dựa vào lượng phốt pho chảy vào Hồ Gươm, chúng ta có thể tiên đoán sẽ xảy ra bùng nổ của tảo trong hồ vào mùa hè.

9.6.3. Kiểm chứng (kiểm tra) giả thuyết

Người nghiên cứu sử dụng các tiên đoán như một giả thuyết và kiểm chứng giả thuyết đó. Nếu kết quả đúng như dự đoán thì điều đó củng cố quy luật đã nêu ra. Nếu sự củng cố khá vững chắc thì quy luật tìm ra là có giá trị.

Từ quy luật chung, có nhiều giả thuyết có thể suy ra (ví dụ: Nếu ngưng không đổ thêm phốt pho vào Hồ Gươm thì sự bùng nổ của tảo sẽ kết thúc). Tới đây thì người nghiên cứu chưa nên thoả mãn vì cần phải xem quy luật đó có thể áp dụng cho các trường hợp khác không. Ngoài ra, bạn sẽ muốn tìm ra quy luật cơ bản, có tính chất chung cho các trường hợp. Trong quá trình đi tìm quy luật này nếu tìm thấy thông tin quan trọng và chính xác, có thể nói bạn đã đưa ra  được một lý thuyết nào đó.

Tuy vậy, quá trình nghiên cứu không dừng ở đây. Chính sau khi đã kiểm tra giả thuyết nêu ra, quá trình nghiên cứu sẽ lại tiếp tục. Đó chính là chu trình nghiên cứu. Chu trình này tiếp tục để tìm ra một lý thuyết mới.

Các nghiên cứ khoa học thường là một chu trình mà không thể nói là bắt đầu từ đâu và lúc nào là kết thúc. Nó có thể bắt nguồn từ một lý thuyết hay một hiện tượng thu được trong thực tế.

9.6.4. Đánh giá giả thuyết

Tiến trình đánh giá có thể được coi như một bước bổ sung cho chu trình nghiên cứu. Trong thực tế, ít khi chức năng của kiểm chứng là khẳng định hay phủ định một giả thuyết. Thường thì quá trình kiểm chứng sẽ bổ sung một số số liệu mà sẽ là cơ sở cho việc phát triển một lý thuyết mới. Trong thực tế, bước đánh giá là rất có lợi mặc dù nó không nằm trong chu trình nghiên cứu.

BÀI TẬP CHƯƠNG 9

Bài tập 9.1 (10 phút): Điều kiện học tập.

 Viết ra giấy các câu trả lời:

  1. Chỗ học bài thường xuyên của bạn ở đâu? Điều kiện xung quanh? Làm thế nào để cải tạo nó?
  2. Bạn tổ chức nơi học như thế nào? làm thế nào để bạn ngồi học thuận tiện hơn?
  3. Liệt kê dụng cụ học tập bạn hiện có? Bạn thấy cần thêm gì mà bạn có thể đáp ứng?

Bài tập 9.2: Lên lịch sinh hoạt tuần tới của bạn.

Bài tập làm ở nhà theo trình tự:

  1. Liệt kê các hoạt động của bạn trong tuần tới.
  2. Phân loại các công việc theo từng nhóm và điền vào bảng sau:
  Cố định thời gian Không cố định thời gian
Bắt buộc _ _
Không bắt buộc _ _
  1. Vẽ lịch làm việc trong tuần theo cột (ngày) và hàng (giờ) như trong ví dụ 1.
  2. Lập lịch học tập suốt tuần của bạn theo các trình tự:
  • Đặt các công việc bắt buộc và cố định thời gian vào trước;
  • Đặt các công việc yêu thích và cố định thời gian vào tiếp sau;
  • Đặt các công việc bắt buộc nhưng không cố định thời gian vào những ô trống nhưng cần chú ý đến: Tổng số giờ học trong tuần, số giờ học ở nhà cần thiết mỗi tuần, phân chia giờ học và chơi cho cân đối trong từng ngày;
  • Cuối cùng đặt các công việc ưa thích và không cố định thời gian vào những ô trống còn lại.

       Ghi chú: Các bước xây dựng lịch sinh hoạt được nêu ra ở trên là khá hoàn chỉnh. Bạn nên cố gắng thực hiện chúng không chỉ làm riêng đối với bài tập này mà nên làm thường xuyên. Nó sẽ là tiền đề cho thành công của bạn trong học tập và sinh hoạt.

Bài tập 9.3: Làm bản liệt kê công việc (check list)

Hướng dẫn khai thác ứng dụng ghi chú (Notes) rất mạnh mẽ trên iPhone, iPad  - ghichu | Ghi chú trực tuyến

  • Làm trên lớp trong 5 phút một bản liệt kê các công việc của bạn trong ngày mai.
  • Đưa cho bạn bên cạnh đọc và nhận xét bản liệt kê.
  • Thảo luận với nhau nội dung và hình thức bản liệt kê.

Bài tập 9.4: Làm bản liệt kê đồ dùng cá nhân cần mang cho một ngày đi tham quan thực tế:

  • Xác định các công việc phải làm trong ngày đi tham quan thực tế tại một cơ sở nào đó
  • Làm một bản liệt kê các đồ dùng cần mang theo cho hoạt động trong ngày
  • Đưa cho bạn bên cạnh đọc và nhật xét
  • Thảo luận với nhau về nội dung công việc và bản liệt kê

Bài sau: Kỹ năng khởi nghiệp

Xem toàn bộ các chương tại đây
Hoàng Đức Bảo - CEO/Lectured soft skills

…………………………………

KỸ NĂNG MỀM – CHÌA KHÓA ĐỂ THÀNH CÔNG (Sách – Giáo trình)

Công ty VINABOOK hân hạnh tài trợ chương trình này. Giá bìa: 160.000 VNĐ – Hotline: 0938090115