kỹ năng mềm

6.1. Khái quát

6.1.1. Khái niệm

Như đã đề cập ở chương mở đầu: Hiệp hội Đào tạo và Phát triển Mỹ (ASTD-American Society for Training & Development) có thành viên đến từ hơn 100 quốc gia, đã thực hiện một nghiên cứu về các kỹ năng cơ bản cần thiết trong công việc tại Hoa Kỳ. Kết luận được đưa ra là có 13 kỹ năng cơ bản cần thiết hàng đầu để thành công trong công việc, một trong số đó là kỹ năng giao tiếp ứng xử.

Vậy giao tiếp là gì?

Với những góc độ và mục đích nghiên cứu khác nhau, người ta đã đưa ra nhiều quan niệm khác nhau về giao tiếp. Có thể kể ra một số quan niệm về giao tiếp như sau:

“Giao tiếp là nói một điều gì đó với ai đó”.

“Giao tiếp là việc truyền đạt hướng dẫn, chỉ dẫn giữa người này và người khác, có dẫn đến hành động.”…

Nếu hiểu theo nghĩa rộng thì:

“Giao tiếp là sự chia sẻ thông tin và tạo quan hệ”.

Còn kỹ năng giao tiếp có thể hiểu là một tập hợp những qui tắc, nghệ thuật, cách ứng xử, đối đáp được đúc rút qua kinh nghiệm thực tế hằng ngày giúp giao tiếp hiệu quả thuyết phục hơn.

Hiện tượng giao tiếp rõ ràng không chỉ có ở xã hội loài người, mà còn tồn tại khách quan, xuất hiện ở muôn loài. Ở góc độ một tổ chức, công ty, “giao tiếp” được hiểu là hành động xác lập mối quan hệ và sự tiếp xúc giữa con người với con người, nhằm thoả mãn nhu cầu nhất định về thông tin. Trên cơ sở thu nhận thông tin, hai bên giao tiếp sẽ xây dựng, điều chỉnh mục tiêu, hành vi qua sự tương tác lẫn nhau để cùng hiểu biết về một tình huống, có cùng tiếng nói, thu được lợi ích nhiều nhất có thể.

Tóm lại, dù có nhiều quan niệm khác nhau, nhưng những quan niệm này đều có chung một cách hiểu: “Giao tiếp là quá trình chuyển giao, tiếp nhận và xử lý thông tin giữa người này với người khác để đạt được mục tiêu”.

Có thể nói kỹ năng giao tiếp đã được nâng lên thành nghệ thuật giao tiếp, bởi vì kỹ năng này bao gồm rất nhiều kỹ năng nhỏ khác như: kỹ năng lắng nghe, kỹ năng thấu hiểu, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ cơ thể, kỹ năng sử dụng ngôn từ, âm điệu…

Để có được kỹ năng giao tiếp tốt đòi hỏi người sử dụng phải thực hành thường xuyên, áp dụng vào mọi hoàn cảnh mới có thể cải thiện tốt kỹ năng giao tiếp của mình.

6.1.2. Tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp

Kỹ năng giao tiếp là một trong những kỹ năng mềm cực kỳ quan trọng trong thế kỷ 21. Kỹ năng giao tiếp đóng vai trò rất quan trọng, đó là hành trang không thể thiếu để đạt được thành công.

Xã hội ngày càng phát triển, song song với sự phát triển đó là một sự cạnh tranh gay gắt. Nếu như chỉ có chuyên môn giỏi, nhiệt huyết, hết mình vì công việc, thì có thể vẫn chưa đủ để có được một vị trí phù hợp với năng lực. Phải chăng khi đó cần phải nỗ lực nhiều hơn, làm việc chăm chỉ hơn, ra sức học hỏi thật nhiều để hi vọng kinh nghiệm, kiến thức giúp thăng tiến cao hơn?

Thật ra, bên cạnh chuyên môn giỏi, kiến thức tốt, cần phải biết cách thể hiện những suy nghĩ, những kinh nghiệm, những đóng góp của mình cho mọi người biết thông qua giao tiếp (trao đổi, trò chuyện, trình bày…)mới hy vọng gặt hái được thành công như ý.

Vì vậy, vai trò của kỹ năng giao tiếp trong công việc, trong cuộc sống hằng rất quan trọng không thể thiếu trong môi trường làm việc hiện đại đầy cạnh tranh.Nâng cao kỹ năng giao tiếp là một yêu cầu không thể thiếu trong thời đại ngày nay. .

kỹ năng giao tiếp

Trong thực tế, có thể dễ dàng nhận thấy: nếu có được kỹ năng giao tiếp tốt thì mọi quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên sẽ trở nên gần gũi, hiệu quả hơn, công việc sẽ trôi chảy hơn. Cùng với điều đó thì cơ hội thăng tiến cũng rộng mở hơn.

Ngược lại, nếu không thành công trong giao tiếp, những suy nghĩ, ý tưởng, cố gắng, thành quả của ta sẽ không phản ánh được thực tế của những điều đó của chính bản thân mình. Sự hạn chế này sẽ khiến ta gần như không thể thể hiện được hết khả năng của mình trong công việc.

Chính sự thiếu hiệu quả trong giao tiếp sẽ trở thành rào cản trên con đường đạt tới mục tiêu của chính mình – cả trong đời sống riêng tư lẫn trong sự nghiệp.

6.2. Mục tiêu và phương thức giao tiếp

6.2.1. Mục tiêu giao tiếp

Giao tiếp thường có 4 mục tiêu như sau:

– Chuyển tải được những thông điệp.

– Giúp người nhận hiểu rõ những dự định của người phát thông điệp.

– Tiếp nhận được sự phản hồi từ người nhận.

– Duy trì mối quan hệ tốt với người nhận.

Trong mọi ngành nghề, để thành công, mỗi người đều cần có sự hợp tác, bổ trợ, giúp đỡ, hay tối thiểu là góp ý từ nhiều phía và để các bên phối hợp hiệu quả, đúng lúc, đúng “liều lượng”, cần phải có sự trao đổi thông tin chính xác.

Thông điệp luôn luôn có cả yếu tố trí tuệ và tình cảm trong đó, yếu tố trí tuệ để chúng ta có thể xem xét tính hợp lý của nó, và yếu tố tình cảm để chúng ta có thể có thái độ những cuốn hút tình cảm thích hợp, qua đó thay đổi được suy nghĩ và hành động.

Các thông điệp sau khi được “mã hoá”, được truyền nhận qua nhiều kênh, như: “nói”- thông qua gặp mặt đối mặt, gọi điện thoại, gặp qua video…; “viết”- bằng thư từ, email, bản báo cáo…; và những thông điệp sau khi được “giải mã”, được truyền đạt đến người nhận và người gửi sẽ trông chờ ở họ những phản hồi.

6.2.2. Phương thức giao tiếp

Khi giao tiếp,đa số thường tập trung vào việc chuẩn bị nội dung, mà ít khi chuẩn bị cho việc thể hiện nội dung đó như thế nào. Ví dụ như: sử dụng giọng nói ra sao, ngừng câu ngắt ý ở điểm nào, mắt sẽ đi đâu khi đang trao đổi ở ý đó…

Hay nói cách khác đó là sử dụng các yếu tốkhông phải là từ ngữ (phi ngôn từ) trong giao tiếp. Giao tiếp thường bao gồm hai phần chính ngôn từ và phi ngôn từ:

– Ngôn từ: là nội dung thông điệp được nói ra hoặc viết ra.

Tầm quan trọng của giao tiếp phi ngôn từ

– Phi ngôn từ: bao gồm giọng nói (gồm các yếu tố như: ngữ điệu, chất giọng, độ cao…) và hình ảnh (gồm nét mặt, dáng vẻ, trang phục, di chuyển…).

Khi chuyển tải một thông điệp, thì hiệu quả của ngôn từ, giọng nói và hình ảnh được thể hiện như tronghình 6.2, cụ thể là: Tỷ lệ giữa ngôn từ và phi ngôn từ là 7/93 – tức là sức ảnh hưởng của phi ngôn từ tới người nghe gấp 13,285 (93/7) lần nội dung. 6.3. Các nguyên tắc cơ bản trong giao tiếp Muốn hoạt động giao tiếp có hiệu quả thě cần phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau đây:

6.3.1. Nguyên tắc bình đẳng

Cách thức tốt nhất là thực hiện nguyên tắc là xem: “mọi đối tác đều quan trọng”. Nghĩa là mọi đối tượng giao tiếp đều phải được tôn trọng và đối xử “bình đẳng”. Nguyên tắc này giúp tránh được những sai lầm trong giao tiếp như quan niệm: “người này không quan trọng”, không có ảnh hưởng gì đến bản thân mình, tổ chức mình nên thờ ơ, thậm chí xem thường.

6.3.2. Nguyên tắc hài hòa lợi ích

Nguyên tắc này dựa trên một thực tế có tính qui luật về mặt tâm lý của con người. Bất kỳ ai, khi thực hiện các quan hệ giao tiếp đều mong muốn, hy vọng rằng: thông qua việc giao tiếp có thể đạt được một lợi ích nào đó cho mình hoặc cho tổ chức mà mình đại diện. Do đó, sự giao tiếp phải được thực hiện trong sự thông cảm, thống nhất với nhau chứ không phải dưới hình thức tranh đua, đối địch… Sự thành công của giao tiếp không phải là ở sự chiến thắng đối tác, mà là sự đem lại lợi ích càng nhiều càng tốt cho cả hai bên.

6.3.3. Nguyên tắc định hướng tối ưu

Việc xác định những mức độ có thể đạt được sẽ giúp cho các đối tượng tham gia giao tiếp chuẩn bị sẵn sàng tư tưởng nhượng bộ trong điều kiện và giới hạn cho phép để có thể thương lượng với bên kia khi các điều kiện, tiêu chuẩn lý tưởng không đạt được. Khi giao tiếp nếu các bên tuân thủ nguyên tắc này thì sẽ dễ dàng tìm thấy những mục tiêu và lợi ích chung, trên cơ sở đó có thể cùng nhau tìm ra những giải pháp có thể chấp nhận được cho tất cả các bên.

6.3.4. Nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt văn hóa

Giá trị văn hóa là một phạm trù rộng lớn; ở góc độ nguyên tắc giao tiếp phải tôn trọng giá trị văn hóa. Một sự tôn trọng, lịch sự và nghiêm túc là cần thiết đối với mọi đối tượng giao tiếp. Bởi vì giao tiếp là sự tương tác xã hội luôn luôn chứa đựng yếu tố con người và các yếu tố tình cảm. Cần thấy rằng, một thái độ niềm nở, vui vẻ, hòa nhã, tinh thần hiếu khách, phong cách lịch sự và nghiêm túc, tôn trọng sự khác biệt là những chuẩn mực giao tiếp quan trọng và cần thiết.

6.4. Phong cách giao tiếp

6.4.1. Khái niệm

Sống trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, việc giao tiếp qua phương tiện liên lạc ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thì giao tiếp trực diệnsẽ cho hiệu quả tốt hơn. Có người bẩm sinh đã có năng khiếu trong việc giao tiếp, nhưng cũng có người phải trải qua các khóa học về giao tiếp để có thể giao tiếp hiệu quả.

Phong cách giao tiếp có thể rất khác biệt

Do ở mỗi con người có xu hướng, năng lực, trình độ, tính cách, điều kiện sống khác nhau nên có hệ thống phương thức thao tác của hành vi, lời nói, cử chỉ ứng xử, xử thế khác nhau. Hệ thống phương thức thao tác đó được gọi là phong cách giao tiếp. Vì vậy, mỗi một người đều có một phong cách giao tiếp riêng, có thể rất khác biệt.

6.4.2. Các phong cách giao tiếp cơ bản

Về phong cách giao tiếp có thể có cách phân chia khác nhau. Ở đây đưa ra một số phong cách đặc trưng dựa vào ứng xử.

– Phong cách “độc đoán”

Các đối tượng tham gia giao tiếp không quan tâm đến đặc điểm riêng của đối tác dẫn tới thiếu thiện chí, hay va chạm và gây căng thẳng. Người giao tiếp không gây được thiện cảm, khó thiết lập mối quan hệ hợp tác, khó chiếm được cảm tình của đối tác. Ưu điểm của phong cách giao tiếp độc đoán là có tác dụng trong việc đưa ra những quyết định nhất thời, giải quyết được vấn đề một cách nhanh chóng. Nhược điểm là làm mất đi sự tự do, dân chủ trong giao tiếp, kiềm chế sức sáng tạo của con người, giảm tính giáo dục và tính thuyết phục. .

– Phong cách “tự do”

Các đối tượngtham gia giao tiếp linh hoạt quá mức, dễ thay đổi mục đích, chiều theo ý đối tác giao tiếp. Phong cách này dễ dàng thiết lập các quan hệ nhưng cũng dễ mất các mối quan hệ, không sâu sắc, thiếu lập trường, thế nào cũng được. Phong cách tự do là kiểu phong cách linh hoạt, cơ động, mềm dẻo, dễ thay đổi theo đối tượng và hoàn cảnh giao tiếp.Uu điểm của phong cách này là phát huy được tính tích cực cuả con người, có kích thích tư duy độc lập và sáng tạo. Nhược điểm là không làm chủ được cảm xúc của bản thân, thường hay phụ thuộc hoặc bắt chước, dễ phát sinh tự do quá trớn.

– Phong cách “dân chủ”

Các đối tượng tham gia giao tiếp biểu hiện sự nhiệt tình, thiện ý, tôn trọng nhân cách của đối tượng giao tiếp. Các bên biết lắng nghe, biết quan tâm, dễ dàng thiết lập mối quan hệ tốt trên cơ sở hiểu biết tâm tư của các bên. Ưu điểm của phương pháp này là làm tăng khả năng sáng tạo của đối tượng giao tiếp, giúp mọi người thân thiện, gần gũi và hiểu nhau hơn, tạo mối quan hệ tốt khi làm việc. Nhược điểm của phương pháp này là dân chủ quá có thể dẫn đến việc rời xa các mục tiêu định hướng ban đầu. .

6.4.3. Các phong cách của đối tác cần lưu ý

Có bốn phong cách giao tiếp của đối tác cần chú ý:

– Người thụ động: Người thụ động không có ý gây hấn gì nhưng lại giữ im lặng quá nhiều và không có ý kiến phản hồi nào đáng kể. Đặc trưng của những mẫu người này là tạo ra không khí của cuộc giao tiếp rất nhàm chán. Với mẫu người thụ động, đừng tỏ ra quá tự tin, vì điều đó sẽ làm cho họ càng dè chừng mà ngại giao tiếp.

– Người gây hấn: Mẫu người này luôn tìm cách bác bỏ lý lẽ của người khác, và luôn chen vào những sơ hở của đối tác để “bắt bẻ”. Khi tiếp xúc với một người có biểu hiện gây hấn, hãy cố gắng không để tình hình vượt khỏi tầm tay. Hãy trì hoãn để suy nghĩ thêm. Điều này cho ta thời gian để tập trung tìm giải pháp và cho người kia thời gian để bình tĩnh lại. Nếu cuộc trò chuyện đã đến mức căng thẳng quá, tốt nhất hãy nhường nhin trước và sau đó dùng lý lẽ cùng sự bình tĩnh của mình để dàn xếp mọi chuyện.

– Người lơ đãng: Đó là mẫu người mà lời nói của người khác như “nước đổ lá môn”. Họ thường không gây hấn bằng cách tranh luận, hay im lặng như mẫu người thụ động; mà đơn giản là lời nói của người khác không khiến họ bận tâm, hoặc họ không mấy thiện cảm với người khác. Lúc đó, có thể nên rút lui khỏi cuộc chuyện trò. Trong giao tiếp, khi một trong hai bên đã không còn hứng thú tương tác, tốt nhất là nên chấm dứt tại thời điểm đó.

Cần lưu ý, dù giao tiếp với người thuộc phong cách nào, cũng cần chân thành, khéo léo thì buổi nói chuyện mới đem lại kết quả tốt đẹp. Cần giữ được hình ảnh của chính mình, chân thành, mềm dẽothì sẽ nhận lại được sự chân thành từ phía đối tác.

6.5. Kỹ năng cơ bản trong giao tiếp

6.5.1. Kỹ năng lắng nghe

Kỹ năng lắng nghe là tối quan trọng trong việc quyết định thành hay bại của quá trình giao tiếp. Trong giao tiếp nếu không có kỹ năng lắng nghe hiệu quả từ phía người nhận thông điệp, sẽ dẫn tới hiểu nhầm vấn đề, cuộc giao tiếp bị phá hỏng và người gửi thông điệp sẽ thấy chán nản. Biết lắng nghe là yêu cầu số một khi công tác ở bất cứ ngành nghề, vị trí nào, đặc biệt là đối với người lãnh đạo. Lắng nghe là cả một nghệ thuật. Đó không chỉ đơn thuần là nghe qua. Nó đòi hỏi người nghe phải biết chủ động trong buổi nói chuyện cũng như biết cách kết hợp một số kỹ năng và kỹ thuật nhất định.

Kỹ năng lắng nghe- yếu tố giao tiếp hàng đầu

Một người biết cách lắng nghe có thể hoàn toàn làm chủ được mọi tình huống và sự trao đổi thông tin.Bạn cần quan sát phản ứng của người được hỏi để hiểu người khác thật sự muốn nói gì trong câu trả lời của họ. Hãy lắng nghe một cách chủ động, thành tâm, hướng sự chú ý vào người nói và làm cho họ thấy rằng dường như lúc này chỉ có một điều khiến bạn quan tâm: những gì họ đang nói. Dưới đây là một số gợi ý để quá trình lắng nghe hiệu quả:

– Dùng ánh mắt: Nhìn vào mắt người nói để thể hiện sự tôn trọng, sự tập trung chú ý lắng nghe.

– Gật đầu đồng tình và biểu lộ nét mặt: Để thể hiện sự thiện chí, quan tâm đến vấn đề của người nói, nhằm khuyến khích người nói, cần có những biểu cảm đồng tình trên nét mặt và những cái gật đầu đúng lúc.

– Tránh những hoạt động, cử chỉ lơ đễnh: Khi đang nghe người khác nói mà có những cử chỉ như quay mặt đi chỗ khác, nhìn đồng hồ, sắp xếp vật dụng, giấy tờ, nhún nhẩy,… sẽ khiến người nói cũng thấy không được tôn trọng và chú ý đúng mức, họ sẽ không còn hứng thú muốn nói nữa.

– Tránh không cắt lời người nói: Để người nói trình bày xong ý tưởng hoặc nói hết ý, hết câu rồi người nghe mới nên nói lại hay hỏi phản hồi. Không nên chen ngang, ngắt giữa chừng, phỏng đoán trước ý tưởng của người nói.

– Phối hợp nghe và nói: Người nghe tích cực là người biết phối hợp nhịp nhàng giữa nghe và nói. Điều đó vừa giúp hiểu rõ vấn đề vừa thể hiện sự quan tâm, khích lệ, động viên người nói, rút ngắn khoảng cách giữa người nghe. Việc phối hợp đó có thể thông qua việc đặt câu hỏi: vừa lắng nghe, thấu hiểu, vừa có phân tích, đánh giá và đặt lại câu hỏi khi nghe chưa rõ hoặc chưa hiểu thấu đáo vấn đề.

– Làm rõ ý: Có thể dùng những câu như: “Có phải ý anh là…” hay “Anh nói rằng…” để kiểm tra độ chính xác của những thông tin nghe được. 6.5.2. Kỹ năng nói Nói chuyện là hoạt động giao tiếp phổ biến nhất và nó được diễn ra liên tục trong suốt ngày. Tuy nhiên, không dễ để biết cách nói chuyện nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Một số nguyên tắc sau sẽ giúp bạn có những kỹ năng giao tiếp ứng xử tốt hơn trong cuộc sống và công việc hàng ngày:

– Xưng hô:

Cẩn trọng với việc xưng hô, cần tuân theo tuổi tác, thứ bậc, chức vụ. Như với người lớn tuổi hơn mình, phải gọi bằng anh, chị, chú bác, cô, dì…Nếu độ tuổi chênh lệch không ít, có thể xưng tên. Trong công việc, tùy cấp bậc mà người làm chức vụ thấp hơn có thể gọi cấp trên là anh/chị. Tuyệt đối không nói chuyện nhát gừng, trống không, không xưng hô quá thân mật so với mối quan hệ.

– Chân thành:

Nói chuyện bằng thái độ chân thành, tự nhiên. Tránh tỏ ra khó chịu, gượng ép hay giả làm bộ vui vẻ, quan tâm đến người khác (như thế sẽ gây ra ấn tượng xấu ở người đối diện). Nếu không thể nói sự thật, đừng tìm cách nói dối. Thay vào đó hãy cho người đối diện biết cảm nhận của bạn một cách khéo léo hoặc đưa ra một cách trả lời khéo léo. Không đột nhiên im lặng, nói lấp lửng, làm ra vẻ bí mật để bắt người khác phải chờ đợi. .

– Cách nói rõ ràng, dễ hiểu:

Nội dung lời nói phải phù hợp với trình độ, độ tuổi người nghe. Hai người có trình độ chênh nhau cùng nói chuyện, nếu không có sự điều chỉnh cách nói thì sẽ rất khó mà truyền đạt cho nhau hiểu. Cũng cần lưu ý cách dùng từ: không dùng tiếng lóng ít người biết, từ địa phương, tránh người đối diện hiểu nhầm. Không dùng từ chuyên ngành, từ quá hoa mỹ: người nghe sẽ có cảm giác là bạn không thật long. Nếu không thể điều chỉnh cách nói chuyện, ngôn ngữ thường dùng của mình, người nói có thể bị cho là kiêu ngạo, tự phụ, thô lỗ.

– Nói gọn gàng, đủ ý:

Chỉ kể những chi tiết liên quan, không thao thao bất tuyệt bất chấp người nghe có muốn nghe hay không. Để làm được điều này, cần phải quan sát. Vừa kể một câu chuyện vừa xem thái độ người nghe. Nếu họ có biểu hiện không hứng thú như ngáp dài, lấy tay chống cằm, nhìn ngó nghiêng chỗ khác…hãy chủ động chuyển đề tài hoặc kết thúc nhanh câu chuyện. Đừng sa đà, nói mãi một đề tài: của ăn ngon đến đâu, ăn quá cũng ngán. Đừng chỉ nói về mình: trong câu chuyện, thường cái tôi là đáng ghét, dễ bị quy kết là huênh hoang, tự cao. Thêm vào đó, cũng không nên tâm sự chuyện riêng tư với tất cả mọi người. .

– Tránh lối nói gây cảm giác không tốt nơi người khác:

Cách nhận xét, đánh giá sự việc một cách thái quá sẽ khiến người đối diện cảm thấy tâm trạng không tốt. Ví dụ, một cô bạn vừa ốm dậy mà ta nói “sao sắc mặt nhợt nhạt ghê vậy?” sẽ gây cảm giác rất tệ. Thay vào đó, có thể nói “nhìn mặt bạn có vẻ khá hơn trước đấy”. Đó chính là một lời an ủi, động viên rất tố. Đừng chỉ trích, đừng hạ bệ người khác; cũng đừng cãi lộn, gây hấn. Cũng cần tránh lối nói mỉa mai:Lối nói chỉ trích người khác một cách bóng gió, văn hoa, tưởng khen mà luôn tạo ra ấn tượng cực xấu cho người nghe. Lối nói mỉa mai thể hiện thái độ thù địch, kém vị tha và hay xét nét người khác. Nếu đang nói chuyện với nhóm đông người, tuyệt đối không có cử chỉ thì thầm vào tai người bên cạnh hay ghi giấy chuyển cho người khác, rồi làm ra vẻ bí mật. Đây là hành vi bị cho là thiếu lịch sự, kém tế nhị. Không nói xen vào, ngắt lời một người đang hào hứng kể chuyện. Điều đó có thể làm cho họ mất hứng trò chuyện, và lần sau họ sẽ ngại chia sẻ với ta.

– Không đề cập đến các chủ đề không phù hợp: Có những chủ đề không phù hợp cho một số đối tượng nghe. Chúng có thể làm người nghe không hiểu, hoặc người nghe không quan tâm hay các chủ đề nhạy cảm. Tốt nhất, để an toàn, đừng nói về chủ đề tôn giáo, chính trị, giới tính.

– Khen đúng lúc, đúng mực:

Khen ngợi người khác rất quan trọng, nhưng sự khen ngợi phải xuất phát từ sự chân thành. Tổng thống Abraham Lincoln đã nói: “Ai cũng muốn được khen ngợi”. Dù bạn vĩ đại, thành công hay giàu có đến đâu, bạn cũng đều cần có sự cổ vũ. Lời khen nâng đỡ người khác, làm cho con người hưng phấn và tiếp thêm năng lượng cho họ. Hãy khen ngợi người khác một cách thật lòng và vô tư, đừng khen chỉ để “lấy lòng”, làm hài lòng người khác hay tạo ấn tượng cho chính bản thân mình trong khi điều đó không đúng sự thật. Khi này, ý nghĩa tốt đẹp của lời khen sẽ không còn nữa. Khi khen chân thành luôn cần kèm theo dẫn chứng cụ thể. Bởi vì nếu không sẽ dễ khiến cho người được khen cảm thấy hoài nghi, cảm thấy đây là lời nịnh hót, tang bốc vô căn cứ. Giọng điệu chân thành cũng là một cách giúp cho lời khen của bạn thuyết phục hơn.

– Nói chuyện trước đám đông:

Đa số người xem việc phải nói chuyện trước đám đông là nỗi sợ hãi bậc nhất. Nhưng chúng ta không thể trốn tránh nó mãi. Nhiều người trong chúng ta có thể được mời ra trình bày một báo cáo, phát biểu trong buổi họp phụ huynh học sinh, nói lời chúc mừng trong lễ cưới. Làm sao để có thể vượt qua những thử thách đó? Câu trả lời là cần có sự chuẩn bị và luyện tập để vượt qua nó.

Quy tắc quan trọng nhất khi thực hành nói chuyện trước đám đông là cần phải biết mình đang nói gì. Điều này nghe có vẻ buồn cười, nhưng thông thường nhiều người nói lại không có một ý niệm rõ ràng về những gì họ truyền đạt đến người nghe. Cần phải biết chính xác ta sẽ đưa người nghe đến đâu. Một khi đã biết, hãy liệt kê nó thành 3 hay 4 điểm chính và soạn bài nói của mình tập trung vào những điểm này thôi. Khi đã chuẩn bị xong, hãy luyện tập với nó. Việc luyên tập bao gồm nhiều yếu tố, trong đó việc “luyện giọng” đóng vai trò rất quan trọng.

Nói chuyện trước đám đông cần sự tập luyện - kỹ năng giao tiếp vinabook

Để có giọng nói hay, rõ ràng, mạch lạc thì phần nhiều phải do quá trình tập luyện mà nên. Có thể đạt được chất giọng như thế, nếu chịu khó tập luyện theo các bước như:

+ Luyện phát âm rõ ràng:

Để phát âm rõ ràng, bạn phải tập đọc lớn mỗi ngày vài trang sách, đọc thật kỹ từng chữ đến khi nào ta nhập tâm. Nếu khi nói chuyện với mọi người mà còn phát âm vội vã, chưa tròn chữ thì phải luyện tập tiếp. Tập phát âm để sửa các lỗi do đặc trưng vùng miền (như L-N, S-X, TR-CH…). Khi giao tiếp với người thuộc địa phương khác hoặc trong các cuộc gặp gỡ, làm việc trang trọng, phát âm không rõ, sai có thể gây hiểu lầm, phản cảm nghiêm trọng.

+ Luyện âm lượng và tốc độ:

Âm lượng: Khi nói quá to thường bị cho là thô lỗ, nói quá nhỏ thì bị xem là tự ti, nhút nhát không mấy ấn tượng …Vì vậy, hãy luyện tập để có giọng nói rõ ràng, vừa đủ nghe, phù hợp với tình huống giao tiếp. Để kiểm tra xem mình nói đã vừa nghe hay chưa có nhiều cách. Tốt nhất là nên hỏi ý kiến một vài người bạn hoặc ghi âm lại giọng nói rồi tự mình đánh giá, cảm nhận.

Tốc độ nói: Cũng như âm lượng, khi nói nên tránh nhịp điệu đều đều suốt từ đầu đến cuối. Phải có lúc nhanh hơn một chút, phải có lúc chậm hơn một chút, thậm chí có lúc dừng lại vài giây để gây ấn tượng, để mọi người suy nghĩ. Đặc biệt là khi vừa đặt ra một câu hỏi, đề cập đến một tình tiết nào đó mang tính chuyển đổi hay chuyển qua một tình huống mới. Sự dừng lại này là một cách thay đổi không khí nói chuyện, giúp người nghe tập trung hơn vào người nói. Nói nhanh quá làm cho não bộ người nghe phải tiếp nhận một lượng thông tin lớn, và khiến họ bị quá tải, mệt mỏi. Ngược lại, nói quá chậm cũng làm bộ não người nghe không cần phải làm việc nhiều, và cũng sinh buồn ngủ. Cần phải khéo điều chỉnh tốc độ sao cho vừa phải, đừng nhanh quá, nhưng cũng đừng chậm quá.

+ Luyện ngữ điệu:

Ngữ điệu là sự trầm bổng của các tiếng phối hợp với nhau. Ngữ điệu không đòi hỏi phải du dương, mượt mà, lả lướt như điệu nhạc, nhưng cần phải có sự êm ái nhất định. Một trong những cách để có một ngữ điệu êm ái là tập nói rồi ghi âm và nghe lại giọng nói của mình để điều chỉnh những điểm chưa phù hợp. Trong câu nói, câu chuyện nên có sự trầm bổng, nhấn nhá để tạo sự thu hút từ người nghe. Tránh nói chuyện bằng giọng đều đều, buồn ngủ.

6.5.3. Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ cơ thể

Như đã đề cập ở chương trước : lời nói bao gồm 2 yếu tố: ngôn từ, phi ngôn từ (bao gồm giọng điệu). Trong đó ngôn từ chỉ chiếm 7% tác động đến người nghe, 38% là do giọng điệu và quan trọng nhất 55% lại dành cho ngôn ngữ cơ thể. Trong xã hội hiện đại và nhất là trong môi trường giao tiếp quốc tế, yếu tố tinh tế trong giao tiếp thông qua cử chỉ, điệu bộ rất cần thiết cho mỗi chúng ta. Cần tự nhận thức ngôn ngữ cơ thể cũng như tập cách quan sát ngôn ngữ này của người khác sẽ giúp ta hiểu rõ hơn đối tác mà ta đang giao tiếp.

Ngôn ngữ cơ thể - thông điệp quan trọng

Trong giao tiếp, ngoài việc để ý đến các cử chỉ điệu bộ và thông điệp của người đối diện, bạn còn phải biết cách đọc được những cử chỉ của người ấy và ý nghĩa của chúng. Khi có được kinh nghiệm đó, bạn sẽ nhận biết người đối diện, nhận biết bản thân và kiểm soát bản thân cũng như người đối diện bằng ngôn ngữ cơ thể.

Thông thường sau khi chào hỏi xã giao, người có kinh nghiệm bắt đầu chú ý đến những cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể của người đối diện. Khi kiểm soát hành vi, cử chỉ của mình và của người đối diện, chúng ta sẽ thấy được những cái lợi của ngôn ngữ cơ thể. Ngôn ngữ của cơ thể phản ánh cảm xúc thực sự bên trong nên hiểu được nó, ta có thể sử dụng chúng một cách hợp lý nhất.

Sử dụng ngôn ngữ cơ thể một cách đúng lúc, đúng chỗ càng tôn thêm hình ảnh của bạn trong mắt người nghe. Ngôn ngữ cơ thể bao gồm nhiều khía cạnh, bao gồm: các cử chỉ, động tác được thể hiện qua ánh mắt, nụ cười, biểu cảm trên gương mặt, hành động của bàn tay…

Cụ thể như:

Biểu cảm trên khuôn mặt:

Con người có thể thể hiện chính mình hoặc biểu lộ cảm xúc, biểu lộ suy nghĩ thông qua sự biểu cảm ở khuôn mặt. Những trạng thái khác nhau biểu cảm trên khuôn mặt sẽ giúp bản thân mình tự tin hơn và dễ thành công hơn trong giao tiếp. Kết quả nghiên cứu chỉ ra các khác biệt rõ ràng về cách mọi người thể hiện 21 sắc thái cảm xúc trên mặt. Chẳng hạn như: 99% thời gian, người ta bày tỏ sự hạnh phúc bằng cách dướn má và nhoẻn miệng cười.

Sự ngạc nhiên cũng rất dễ phát hiện, do 92% số người tình nguyện mở to mắt và hạ thấp hàm… Phân tích cho thấy, các cảm xúc lẫn lộn được biểu lộ thông qua sự kết hợp một số đặc điểm của cảm xúc đơn lẻ. Ví dụ, ai đó “ngạc nhiên một cách vui vẻ” sẽ dịch chuyển tất cả các cơ gắn liền với việc thể hiện sự ngạc nhiên, cộng thêm biểu lộ một nụ cười…

Có thể tóm lược 21 sắc thái biểu cảm riêng rẽ trên mặt người như sau:

1. Hạnh phúc

2. Đau buồn

3. Sợ hãi

4. Tức giận

5. Ngạc nhiên

6. Ghê tởm

7. Kinh hoàng

8. Ngạc nhiên một cách vui vẻ

9. Ghê tởm một cách vui vẻ

10. Sợ hãi một cách buồn khổ

11. Ngạc nhiên một cách buồn bã

12. Tức giận một cách buồn bã

13. Ghê tởm một cách buồn bã

14. Tức giận một cách sợ hãi

15. Ngạc nhiên một cách sợ hãi

16. Ghê tởm một cách sợ hãi

17. Ngạc nhiên một cách tức giận

18. Ghê tởm một cách giận dữ

19. Ngạc nhiên một cách ghê tởm

20. Căm ghét

21. Kính sợ

– Kỹ năng giao tiếp bằng mắt: Đôi mắt được ví là cửa sổ của tâm hồn, là yếu tố bộc lộ rõ nhất cảm xúc của con người. Trong khi giao tiếp, có thể hiểu được cảm xúc người khác thông qua ánh mắt để có cách ứng xử phù hợp.

+ Không giao tiếp mắt: Những người muốn che giấu điều gì thường không giao tiếp mắt khi nói dối.

+ Nhìn lướt qua: Khi cảm thấy chán, người ta thường nhìn lướt qua người đối diện hoặc liếc nhìn xung quanh phòng.

Hình 6.7: Đa dạng biểu cảm trên khuôn mặt

+ Nhìn sâu vào mắt người đối diện: Người nào tỏ ra bực tức với bạn hoặc hợm hĩnh thường nhìn chằm chằm vào mắt bạn.

+ Duy trì giao tiếp mắt: Liên tục duy trì giao tiếp mắt cho thấy là biểu hiện của sự trung thực và đáng tin cậy.

+ Ánh mắt hỗ trợ ngôn ngữ nói: Ánh mắt đi kèm theo lời nói sẽ làm cho lời nói truyền cảm hơn, tự tin hơn, thuyết phục hơn.

+ Ánh mắt thay thế lời nói: Có những điều kiện, hoàn cảnh người ta không cần nói nhưng vẫn có thể làm cho người ta hiểu được điều mình muốn nói thông qua ánh mắt. Yêu cầu khi sử dụng ánh mắt: Phải thể hiện đúng ánh mắt mình muốn chuyển tải điều cần nói, đồng thời không nên sử dụng những ánh mắt khó chịu, soi mói, chằm chằm…

– Nụ cười:

Nụ cười được xem là một trang sức trong giao tiếp và cũng là phương tiện làm quen hay xin lỗi rất tinh tế, ý nhị. Biết sử dụng nụ cười đúng lúc, hợp lý là một nghệ thuật cần được rèn luyện thường xuyên để có thể biểu cảm thông qua các kiểu cười khác nhau. Luôn nở nụ trên môi sẽ tạo được kết quả giao tiếp tốt.

Nụ cười có thể giúp ta thiết lập một bước cực kì tích cực trong giao tiếp. Nó giúp ta để lại ấn tượng sâu sắc hơn cho người đối diện. Nụ cười có thể làm tâm trạng của những người ta giao tiếp trở nên tích cực. Nụ cười có thể sẽ làm cho người khác cảm thấy hạnh phúc hơn.

– Vị trí và khoảng cách trong giao tiếp:

Vị trí và khoảng cách trong giao tiếp khi ngồi hoặc đứng đều vô tình hay cố ý thể hiện thái độ, mục đích của mỗi người. Khi đứng nói chuyện trực diện, mặt đối mặt, điều đó thể hiện các đối tác muốn trò chuyện thẳng thắn, thân thiện về vấn đề nào đó.

Vị trí và khoảng cách giữa hai người khi trò chuyện cho thấy ta tôn trọng không gian riêng tư của người khác. Khi ta đứng quá gần, người nghe sẽ cảm thấy mình bị lấn át và tỏ ra không dễ chịu. Một khoảng cách hợp lý giữa hai người sẽ tạo nên sự hài hòa, thoải mái trong buổi nói chuyện. Đừng đứng quá gần. Mỗi người đều cần có khoảng không gian riêng, đừng xâm chiếm nó.

Với người lớn tuổi, nên đứng lại gần hơn một chút vì họ có thể bị lãng tai, không nghe rõ. Khoảng cách này chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, trong đó văn hoá là một trong các yếu tố cơ bản. Mỗi một nền văn hoá thường đặt ra một khoảng không gian tối ưu cho mỗi loại giao tiếp.

Nóii chung, trong nền văn hóa phương tây có thể chia ra 4 mức độ khoảng không gian trong giao tiếp:

+ Khoảng cách thân mật: 0 – 40 cm, được sử dụng trong giao tiếp giữa các người thân thiết;

+ Khoảng cách cá nhân: 40 – 120 cm, được sử dụng trong giao tiếp với người quen biết);

+ Khoảng cách xã hội : 120 – 400 cm, được sử dụng trong giao tiếp với người lạ và giao tiếp chính thức;

+ Khoảng cách công cộng: từ 400cm, được sử dụng trong các buổi phát biểu hoặc thảo luận với các nhóm.

Những khoảng cách này thay đổi đáng kể ở các nền văn hoá, và có thể tạo ra một số trở ngại trong tương tác cá nhân.

Các nghiên cứu cho thấy: trong nền văn hóa Âu-Mỹ khoảng cách giao tiếp lớn nhất, còn khoảng cách giao tiếp nhỏ nhất là trong nền văn hóa người Ả Rập.

– Động tác cơ thể trong giao tiếp:

Cử chỉ và điệu bộ trong giao tiếp bộc lộ những suy nghĩ thầm kín, thể hiện được nhiều điều mà lời nói không làm được. Thái độ ứng xử cho biết giao tiếp bằng cử chỉ thể hiện được nhiều điều mà lời nói không làm được. Khi không thể diễn đạt được bằng lời nói, tốt hơn hết chúng ta nên sử dụng điệu bộ. Điệu bộ phản ánh chính xác, cảm giác, thái độ và ý định của con người. Có thể nêu ra một vài động tác cơ thể trong giao tiếp như:

+ Nghiêng đầu: Hơi nghiêng đầu chứng tỏ người đó không tự tin lắm về điều vừa được nói.

+ Gật đầu: Khi đồng ý với bạn, người đối diện sẽ gật đầu trong khi bạn đang nói

+ Vung tay: nhiều người có quan điểm sai lầm rằng: vung tay càng nhiều trong lúc nói chuyện th́ì h́ình ảnh của họ có vẻ càng trở nên sinh động, lôi cuốn. Trong thực tế, chỉ nên sử dụng bàn tay để diễn giải vấn đề thêm rõ ràng trước người nghe. Hoạt động của bàn tay trong quá tŕnh nói chuyện nên đúng mực, kết hợp khéo léo với quan điểm , thái độ bản thân, hoặc gắn kết với cao trào của câu chuyện cũng như tầm quan trọng của vấn đề.

+ Bắt tay: Đối với một số người, cử chỉ bắt tay chỉ là một thủ tục nghi lễ. Nhưng đối với đa số thì cử chỉ bắt tay không chỉ là một dấu hiệu của tình bạn mà cách bắt tay của bạn là một sự khẳng định sâu xa về tính cách con người bạn, nó có thể nói lên bạn là ai, trong mắt bạn đối tác có ý nghĩa như thế nào, nó có thể thể hiện sức mạnh của bạn và cả độ đáng tin cậy của bạn nữa. Một cái bắt tay lỏng lẻo có thể chỉ ra sự bất an, yếu đuối, không thực sự quan tâm đến chính người mà đang được bắt tay. Một cái bắt tay lướt nhanh có thể truyền đạt sự kiêu ngạo. Ngược lại, một cái bắt tay ấm áp, mạnh đúng mức có thể truyền đạt sự tự tin, ổn định và đáng tin cậy, mở ra một cuộc đối thoại mới và thậm chí là một mối quan hệ mới.

Động tác cơ thể trong giao tiếp

+Tư thế và điệu bộ ( Posture & Body Orientation) Nhiều thông điệp được chuyển tải qua chuyển động cơ thể. Ví dụ: Khi đứng thẳng lưng, hơi nghiêng người về phía trước, người ta sẽ hiểu bạn là người dễ gần, dễ tiếp thu và thân thiện. Tư thế ngồi nghiêm, cứng nhắc: có thể sẽ gây cho người đối diện cảm giác bạn là người quá cứng nhắc và nguyên tắc trong công việc. Tư thế ngồi khoanh tay trước ngực thể hiện sự phòng thủ hay thậm chí là tín hiệu của sự kiêu căng, đôi khi bất lịch sự. Còn khoanh hai tay để trên bàn lại là dấu hiệu của sự thụ động và thiếu tự tin.

Để luyện tập và trau dồi kỹ năng nhận biết ngôn ngữ cơ thể, cần dành thời gian quan sát những người xung quanh, đặc biệt là quan sát ngôn ngữ cơ thể của các nhân vật trên truyền hình, để ý cách họ ứng xử với những người khác. Trong quá trình quan sát, nhận xét, phân tích đó, ta sẽ thu thập nhiều thông tin. Điều này làm tưng kỹ năng quan sát và sẽ giúp tang độ nhạy bén trong việc đọc các tín hiệu của ngôn ngữ cơ thể khi giao tiếp với đối tác.

Khi đã hiểu và vận dụng được ngôn ngữ cơ thể, ta có thể dùng nó để diễn đạt tốt hơn thông điệp đang cần truyền tải hay củng cố thêm sức mạnh cho những gì đang nói. Trong nhiều trường hợp thì điều này mang ý nghĩa tích cực. Tuy nhiên, phải cẩn trọng vì đôi lúc ta không điều khiển được những cử chỉ của mình. Việc này sẽ làm gây phản tác dụng, và có thể làm mất đi niềm tin cũng như sự tín nhiệm trong mắt đối tượng giao tiếp một cách nghiêm trọng.

6.5.4. Trắc nghiệm kỹ năng giao tiếp bản thân

Có thể sơ bộ đánh giá khả năng giao tiếp của bản thân thông qua việc thực hiện các bài trắc nghiệm (yourbrainmatters.org.au): Ví dụ như với bài trắc nghiệm ngắn bao gồm 10 câu hỏi, với 3 phương án trả lời a, b, c. Chọn phương án phù hợp nhất với bản thân:

1. Trong đơn vị, khi có hai đồng nghiệp bất hòa, bạn sẽ hành động như thế nào?

a. Bạn thường lảng tránh ra xa vì nó chẳng liên quan gì đến mình.

b. Có lúc bạn tham gia vào việc hòa giải, có lúc bạn lại chẳng muốn quan tâm.

c. Bạn sẽ tích cực tham gia vào việc hòa giải.

2. Trong khi chuẩn bị cho một cuộc họp, cấp trên giao cho bạn chuẩn bị ý kiến thì tâm trạng của bạn như thế nào?

a. Bạn rất bối rối

b. Có lúc thì cảm thấy bối rối, có lúc cảm thấy bình thường

c. Bạn cảm thấy bình thường

3. Khi bạn phải đối diện với một người lạ, bạn sẽ cảm thấy tâm trạng của mình như thế nào nếu sự im lặng kéo dài?

a. Bạn cảm thấy nặng nề khó chịu.

b. Có lúc bạn cảm thấy khó chịu, có lúc lại thấy bình thường.

c. Bạn cảm thấy bình thường.

4. Trong công việc, khi được cấp trên giao cho bạn đi làm thêm một việc gì đó thì cách đối phó của bạn như thế nào?

a. Bạn sẽ tìm đủ mọi lý do để thoát khỏi công việc này.

b. Cũng có lúc bạn làm điều đó.

c. Bạn luôn vui vẻ làm việc đó như là bổn phận của mình.

5. Trong cuộc sống của bạn, khi có niềm vui hay nỗi buồn nào đó bạn sẽ biểu hiện nó như thế nào?

a. Bạn sẽ chia sẻ chúng với những người xung quanh để làm vơi đi nỗi buồn hoặc làm cho niềm vui được nhân lên.

b. Cũng có lúc bạn chia sẻ với người khác, nhưng có lúc bạn chẳng muốn chia sẻ với ai cả.

c. Chẳng bao giờ bạn chia sẻ với ai cả vì đó cái riêng của bạn.

6. Khi đi trên phố, bạn gặp một người lạ đến hỏi và muốn nhờ bạn giúp một điều gì đó thì tâm trạng của bạn cảm thấy thế nào?

a. Bạn cảm thấy rất khó chịu.

b. Có lúc bạn cảm thấy khó chịu, nhưng có lúc bạn lại cảm thấy vui vì được giúp đỡ người khác.

c. Bạn cảm thấy thoải mái khi giúp người khác, mặc dù bạn không quen biết họ.

7. Khi một người bạn mượn bạn môt cái gì đó, nhưng đã đến thời gian phải trả nhưng người bạn vẫn chưa trả, buộc bạn phải hỏi. Bạn sẽ có tâm trạng như thế nào?

a. Cảm thấy rất e ngại khi phải hỏi lấy lại vật mà người bạn đã mượn.

b. Cũng có lúc cảm thấy e ngại.

c. Bạn cảm thấy việc ấy là bình thường.

8. Khi bạn đến tiệm cắt tóc buộc bạn phải chờ đợi, bạn sẽ hành động như thế nào?

a. Bạn sẽ quay về vì không muốn phải chờ đợi.

b. Có lúc bạn cảm thấy khó chịu, có lúc bạn lại cảm thấy bình thường.

c. Bạn cảm thấy chuyện ấy là bình thường.

9. Khi bạn có tâm sự muốn nói với người mình yêu, bạn sẽ làm như thế nào?

a. Bạn sẽ viết thư để tâm sự.

b. Có lúc bạn viết thư, còn có lúc bạn lại thích nói bằng lời.

c. Bạn chỉ thích nói bằng lời.

10. Trong cuộc sống, khi bạn biết mình bị ốm bạn sẽ xử lý việc đi khám bệnh của mình như thế nào?

a. Bạn sẽ trì hoãn cho đến khi không thể chịu được nữa mới đến gặp bác sỹ.

b. Có lúc bạn trì hoãn, nhưng có lúc bạn lại cảm thấy lo lắng và đi gặp bác sỹ.

c. Bạn sẽ đi gặp bác sỹ ngay.

Cách tính điểm:

Với mỗi câu: chọn phương án a: tính 2 điểm;

Với mỗi câu: chọn phương ánb: tính 1 điểm;

Với mỗi câu: chọn phương án c: tính 0 điểm.

Tính tổng số điểm của mình và đối chiếu với kết quả dưới đây:

1. Nếu đạt được 14 – 20 điểm Bạn chỉ thích sống với tâm tư của riêng mình, mọi niềm vui, nỗi buồn bạn chỉ muốn tự mình gánh chịu. Bạn là người không thích giao lưu với người khác, những giây phút cô đơn một mình thường đem lại cho bạn nhiều niềm vui hơn là tiếp xúc với người khác. Bạn sẽ tỏ ra vui vẻ với những mối quan hệ cũ, nhưng lại cảm thấy hết sức lúng túng khi phải thiết lập những mối quan hệ mới.

2. Nếu đạt được 5 – 13 điểm Mức độ giao tiếp của bạn là vừa phải, bạn có thể yên tâm trong những hoàn cảnh hay tình huống mới đều có thể làm quen và hoàn thành tốt công việc của mình. Bạn là người khôn ngoan, biết lắng nghe người khác và đặt mình vào vị trí của người khác, biết lượng sức và biết lựa chọn cách xử lý mọi việc trong tình huống phức tạp, Vì vậy, bạn là người chiếm được nhiều cảm tình. Mọi việc bạn làm đều có mục đích, bạn sẽ không thích những cuộc tán gẫu không đâu hoặc sự ồn ào quá mức.

3. Nếu đạt được 0 – 4 điểm Mức độ giao tiếp của bạn cao hơn mức bình thường và nó được biểu hiện ở sự lắm lời đến phiền phức. Giao tiếp là nhu cầu không thể thiếu hàng ngày của bạn. Bạn sẵn sàng nhận và làm giúp công việc người khác mặc dù chưa biết mức độ khó khăn của công việc. Điều này trong quan hệ tình cảm bạn được mọi người ủng hộ, nhưng trong công việc dễ khiến mọi người trở nên nghi ngờ về năng lực của bạn. Hãy nghiêm khắc hơn và biết kiềm chế chính mình.

Chương trước: Kỹ năng quản lý thời gian

Chương sau: Kỹ năng tư duy sáng tạo

Hoàng Đức Bảo - CEO/Lectured soft skills

…………………………………

KỸ NĂNG MỀM – CHÌA KHÓA ĐỂ THÀNH CÔNG (Sách – Giáo trình)

Công ty VINABOOK hân hạnh tài trợ chương trình này. Giá bìa: 160.000 VNĐ – Hotline: 0938090115