KỸ NĂNG MỀM – CẦN THIẾT CHO SINH VIÊN

Kỹ năng mềm là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người như: kỹ năng sống, giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, thư giãn, vượt qua khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới… Kỹ năng mềm – Cần thiết cho sinh viên trong trường đại học dưới đây:

Kỹ năng mềm không thể hiện dưới dạng hữu hình có thể đo đếm được hay chứng nhận thông qua bằng cấp như bằng cấp chuyên môn chẳng hạn mà nó được thể hiện thông qua thái độ, cách thể hiện cũng như khả năng tư duy, nhìn nhận vấn đề của con người.

Link Sách kỹ năng mềm bán chạy nhất hiện nay

Ø  Vai trò của kỹ năng mềm trong công việc học tập

Trong môi trường đại học, sinh viên cần vận dụng nhiều kỹ năng mềm khác nhau để phục vụ công việc học tập và các hoạt động của lớp, đoàn, đội, hội, nhóm.

Theo kết quả nghiên cứu thì hơn 90% sinh viên có học lực giỏi, xuất sắc trong phương pháp học tập có vận dụng kỹ năng mềm vào các môn học và khi tham gia các phong trào. Kỹ năng đầu tiên phải kể đến là kỹ năng học và tự học. Khi đào tạo theo chương trình hệ đại học sinh viên phải tiếp thu khối lượng kiến thức rất lớn, nghiên cứu tài liệu cả trong và ngoài nước nên việc xây dựng cho mình một phương pháp học tập hợp lí là hết sức quan trọng. Vậy nên, vấn đề hình thành một kế hoạch học tập khoa học, khả năng tra cứu tài liệu, tìm kiếm thông tin hiệu quả là yêu cầu bắt buộc phải có.

Công việc học tập với áp lực của những kì thi cùng với đó là các hoạt động của trường, lớp khối lượng công việc là không hề nhỏ.Vấn đề đặt ra là làm thế nào để không quá tải cho sinh viên mà vẫn đảm bảo được kết quả tốt. Muốn giải quyết tình trạng này,  sinh viên phải biết cân đối giữa học tập và tham gia các hoạt động của trường, lớp đảm bảo hiệu quả công việc và sức khỏe cho mình. Để thực hiện được điều đó, việc trang bị kỹ năng quản lí thời gian đóng vai trò then chốt. Sinh viên cần phải phân chia thời gian hợp lí cho từng công việc, đảm bảo tính khoa học, hiệu quả cao.

Như vậy, có thể thấy kỹ năng mềm là công cụ đắc lực giúp sinh viên học tập tốt hơn, giúp việc tiếp thu, lĩnh hội tri thức của sinh viên đạt hiệu quả cao. Đồng thời cũng là yếu tố quan trọng giúp sinh viên thuận lợi hơn khi tham gia các hoạt động, phong trào của lớp, của trường. Quá trình rèn luyện, tích lũy kỹ năng của sinh viên khi học đại học là rất quan trọng, đó là hành trang không thể thiếu khi sinh viên ra trường, bước chân vào môi trường làm việc.

Ø  Vai trò của kỹ năng mềm trong lao động         

Theo UNESCO mục đích học tập là: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Như vậy, theo quan điểm trên thì việc học tập không chỉ là để biết, có nhận thức đúng về bản chất sự việc mà đòi hỏi phải biết vận dụng những kiến thức đó vào việc làm, xây dựng văn hóa ứng xử tốt đẹp để chung sống và để tự khẳng định chính bản thân.

Quá trình sinh viên tích lũy vốn kỹ năng cho mình có ý nghĩa trọng yếu trong hoạt động lao động vì khi sở hữu kỹ năng tốt thì công việc sẽ thuận lợi hơn. Người lao động sẽ đạt được hiệu quả công việc cao hơn nếu biết vận dụng các kỹ năng, kỹ xảo của mình khi lao động. Có thể thấy, khi tuyển dụng người sử dụng lao động không chỉ nhìn vào bằng cấp, bảng điểm của ứng viên mà họ còn quan tâm đến kỹ năng của người lao động, sự nhạy bén, khả năng ứng biến để giải quyết vấn đề. Thực tế cho thấy, kỹ năng mềm quyết định hơn 75% sự thành công và kỹ năng mềm là vấn đề thường được nhắc đến khi các doanh nhân chia sẻ bí quyết thành công của họ.

Khi dấn thân vào môi trường làm việc, bạn không chỉ vận dụng các kỹ năng nghề nghiệp để phục vụ cho công việc mà cần phải phát huy tối đa kỹ năng mềm đã tích lũy, đồng thời không ngừng học hỏi, rèn luyện những kỹ năng mới.Việc bạn có được“sếp” đánh giá cao hay không, không chỉ quyết định ở hiệu quả công việc mà còn dựa vào cách bạn cử xử với đồng nghiệp, cấp trên. Cũng vì vậy mà năng lực của con người được đánh giá trên cả 3 khía cạnh: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Đối với những ngành mà kỹ năng mềm trở thành kỹ năng nghề như: Tư vấn viên pháp lý, nhân viên pháp chế hay luật sư thì kỹ năng mềm  giữ vai trò then chốt. Đó là lúc mà những kỹ năng như: giao tiếp, ứng xử; giải quyết vấn đề; lâp luận phản biện ….phải được sử dụng một cách nhuần nhuyễn, thành thục.

Từ những luận điểm trên, có thể kết luận rằng kỹ năng mềm có tầm quan trọng đặc biệt đối với thành công của mỗi người. Sinh viên muốn chớp lấy những cơ hội tốt để tạo dựng sự nghiệp cần phải nổ lực rèn luyện một cách toàn diện từ kiến thức, kỹ năng đến thái độ trong công việc và cuộc sống. Tích cực phát huy tính chủ động, ham học hỏi và không ngừng nâng cao năng lực tư duy, sáng tạo của bản thân.

Nguồn: Đại học Duy Tân