Kỹ năng mềm là gì?
Khái niệm Kỹ năng mềm (soft skills) là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người, sự kết hợp của các đặc điểm tính cách, hành vi và thái độ cho phép mọi người giao tiếp hiệu quả, hợp tác và kiểm soát thành công các xung đột. Những người có kỹ năng mềm tốt thường có khả năng nhận thức tình huống và trí tuệ cảm xúc mạnh mẽ, giúp họ thích nghi với môi trường làm việc khó khăn được dễ dàng và tạo ra kết quả tốt hơn.
Kỹ năng mềm hay còn gọi là kỹ năng thực hành xã hội, dùng để chỉ những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống của chúng ta như: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng học tiếng Anh, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng làm lãnh đạo, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng xác lập mục tiêu,…
Kỹ năng mềm không thể hiện dưới dạng hữu hình có thể đo đếm được hay chứng nhận thông qua bằng cấp chuyên môn mà nó được thể hiện qua thái độ, cách thể hiện, khả năng tư duy cũng như nhìn nhận vấn đề của con người để vượt qua khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới.
Ngày nay, nhiều trường đại học, cao đẳng,… đã đưa chương trình Kỹ năng mềm vào môn học bắt buộc và cũng là chuẩn đầu ra theo khung Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các trường trung học phổ thông (THPT), trung học cơ sở (THCS) cũng sẽ không nằm ngoài quy định trên trong tương lai gần.
Kỹ năng cứng là gì?
Kỹ năng cứng (hard skills) thường được hiểu là kiến thức chuyên môn, ngành học đúc kết và thực hành có tính chất kỹ thuật nghề nghiệp. Kỹ năng cứng được có được thông qua các môn học đào tạo chính khóa, có liên kết logic chặt chẽ, và xây dựng tuần tự. Thời gian để có được kỹ năng cứng thường rất dài, hàng chục năm, bắt đầu từ những kiến thức kỹ năng cơ bản ở trường phổ thông qua các cấp như: tư duy hình học, tư duy ngôn ngữ – văn phạm, các hệ thống khái niệm lý thuyết cơ bản vật lý, hóa học, sinh học, toán học… và những kiến thức kỹ năng này được phát triển dần lên các mức độ cao hơn, thông qua giảng dạy, thực hành và tự học một cách có hệ thống.
Tóm lại, nếu kỹ năng cứng giúp bạn có được công việc, thì các kỹ năng mềm sẽ giúp bạn dễ dàng thành công và phát triển xa hơn trong chính công việc đó.
Đối với các kỹ năng cứng, khả năng tự tìm hiểu toàn bộ gần như không thể, mà người ta bắt buộc phải trải qua những giai đoạn xây dựng tính hệ thống của tư duy logic và dựa trên “vai những người khổng lồ”. Thông thường, vai trò của giáo dục chính thức đặc biệt quan trọng để hình thành kỹ năng cứng theo thời gian, cho tới khi đạt tới năng lực tự học.
Quá trình rèn luyện lâu dài, vất vả và đi kèm với những kỳ thi đã chứng minh khả năng vượt qua các mức độ nhất định, vì thế, các kỹ năng cứng được dành nhiều thời gian hơn kỹ năng mềm; và về tuần tự thời gian, nó thường được đầu tư trước khi có được kỹ năng mềm.
Một cách dễ hình dung, có thể xem chỉ số thông minh (IQ) phản ánh các kỹ năng cứng, còn chỉ số cảm xúc (EQ) có thể đại diện cho kỹ năng mềm. Do vậy, các kỹ năng cứng thường liên quan, gắn kết nhiều hơn đến sự phát triển của bán cầu não trái, trong khi kỹ năng mềm chịu ảnh hưởng lớn hơn của bán cầu não phải. Kỹ năng cứng thường học tại trường, còn kỹ năng mềm ngoài học ở trường ra, thường được lĩnh hội qua trải nghiệm, các khóa học ngoại khóa, bản thân tự luyện tập hàng ngày theo thời gian.
Kỹ năng mềm được chia làm 2 nhóm chính:
– Nhóm kỹ năng đối nội, bao gồm: lắng nghe, tự học, đặt mục tiêu, tổ chức, quản trị bản thân, lập kế hoạch, xây dụng mục tiêu ngắn hạn và dài hạn cho bản thân.
– Nhóm kỹ năng đối ngoại, bao gồm: giải quyết vấn đề, thuyết trình, ứng xử, làm việc nhóm, tạo lập mối quan hệ, tổ chức, lãnh đạo, đàm phán, giao tiếp, thuyết phục.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA KỸ NĂNG MỀM
Báo cáo của Deloitte Access Econom tiết lộ rằng: xu hướng công nghệ và lực lượng lao động góp phần vào nhu cầu ngày càng tăng về kỹ năng nhân sự trong năm năm tới; số lượng công việc trong các ngành nghề cần kỹ năng mềm chuyên sâu dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh gấp 2,5 lần so với các ngành nghề không cần kỹ năng mềm. Hiện tại các công ty, doanh nghiệp lớn nhỏ trên toàn quốc cũng đang có sự chuyển dịch từ chiến trường cạnh tranh theo giá cả mặt hàng qua dịch vụ khách hàng. Sự toàn cầu hóa và gián đoạn công nghệ đã giảm rào cản để gia nhập một thị trường mới của các doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa là sự cạnh tranh thật sự thường nằm ở chất lượng trải nghiệm của khách hàng. Do đó, kỹ năng mềm là một phần thiết yếu không thể thiếu của việc tìm kiếm, thu hút và giữ chân khách hàng.
Có thể dễ hiểu, kỹ năng cứng trở nên vô nghĩa nếu không có kỹ năng mềm, hay nói theo cách khác nếu không có kỹ năng mềm thì tỉ lệ thành công dựa trên kỹ năng cứng là rất khiêm tốn.
Trong hầu hết các công việc hiện nay đều có sự tương tác qua lại với nhau, bất kể là trực tiếp hay gián tiếp. Kỹ năng cứng chưa đủ để làm việc hiệu quả. Một nhân viên bán hàng có kiến thức sâu rộng về sản phẩm và thị trường cũng khó thành công nếu không có kỹ năng giao tiếp cần thiết để chốt đơn hàng và giữ chân khách hàng. Người quản lý cũng cần phải có khả năng lắng nghe ý kiến của nhân viên, kỹ năng diễn thuyết tốt và kỹ năng tư duy sáng tạo trong môi trường kinh doanh luôn luôn phải thay đổi. Ở mỗi ngành nghề sẽ chú trọng đến một vài kỹ năng mềm khác nhau nhằm hỗ trợ cho kỹ năng cứng và mục đích cuối cùng để đạt được hiệu suất làm việc cao hơn.
Có phải chăng “kỹ năng mềm” tạo sự khác biệt?
Kỹ năng chuyên môn của bạn sẽ dần được tích lũy và hoàn thiện theo thời gian qua quá trình học tập, kỹ năng mềm thì phát triển theo lối riêng vì chúng rất khó nắm bắt, không liên quan gì đến kiến thức trên sách vở hay chuyên môn mà gắn liền tính cách của con người với thực tế. Nó đòi hỏi sự nỗ lực có ý thức, thực hành liên tục và nghiêm túc rèn luyện phát triển bản thân để cải thiện kỹ năng mềm. Kỹ năng cứng sẽ tạo ấn tượng khi bạn xin việc làm nhưng kỹ năng mềm mới là thứ khiến bạn khác biệt so với các ứng viên có trình độ chuyên môn tương tự.
Các kỹ năng như lắng nghe, hợp tác với người khác, trình bày ý tưởng và giao tiếp với các thành viên trong nhóm đều được đánh giá cao trong môi trường làm việc hiện đại. Vì vậy, kỹ năng mềm được xem là chất xúc tác đảm bảo các nhân viên làm việc tốt, tinh thần hợp tác cao và tạo ra môi trường lành mạnh, từ đó nâng cao hiệu quả công việc và sức mạnh cạnh tranh tốt cho doanh nghiệp trên thị trường.
Thị trường hiện đại cung cấp cho khách hàng vô số lựa chọn thông qua công nghệ như: Internet và điện thoại thông minh… Với họ, sự tiện nghi và giá cạnh tranh luôn dễ gây chú ý, vì thế dịch vụ chăm sóc khách hàng sẽ trở thành yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến sự chọn lựa của họ.
Tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI), như ChatGPT, dẫn đến tỷ lệ lớn ngành nghề sử dụng kỹ năng mềm nhiều hơn là điều tất yếu. Nhờ công nghệ tiên tiến, các công việc đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật ngày càng cao, khiến “kỹ năng mềm” trở thành sự khác biệt quan trọng ở nơi làm việc.
Không chỉ nhân viên mới cần có kỹ năng mềm, mà nhà lãnh đạo cũng cần chuẩn bị cho mình những kỹ năng mềm riêng biệt. Khi bạn có kỹ năng mềm thì dù đảm nhận vị trí nào cũng sẽ dễ dàng làm tốt công việc của mình hơn, luôn có suy nghĩ tích cực và cầu tiến hơn trong công việc cũng như cuộc sống đời thường.